Gần 940ha rừng Lùng ở Quế Phong được cấp chứng chỉ FSC

NDO -

Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ và tổ chức Oxfam tại Việt Nam vừa phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong (Nghệ An) tổ chức trao chứng chỉ FSC cho 938ha rừng Lùng do 212 hộ dân ở xã Đồng Văn (Quế Phong) quản lý và khai thác.

Trao chứng chỉ FSC cho các nhóm hộ dân trồng Lùng ở Đồng Văn (Quế Phong).
Trao chứng chỉ FSC cho các nhóm hộ dân trồng Lùng ở Đồng Văn (Quế Phong).

Đây là địa phương đầu tiên tại Nghệ An nhận chứng chỉ FSC về cây Lùng, đánh dấu một bước tiến cho người khai thác rừng Lùng ở Quế Phòng cũng như tỉnh Nghệ An.

Nhờ có chứng chỉ FSC mà nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh Nghệ An đặt vấn đề thu mua lâu dài và hỗ trợ toàn bộ quá trình vận chuyển giúp bà con.

Cây Lùng là nguyên liệu đầu vào cho hàng mây tre đan xuất khẩu nên việc 938 ha rừng Lùng ở Quế Phong được cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp việc xuất khẩu hàng mây tre đan ở Nghệ An thuận lợi hơn và giá xuất khẩu cũng cao hơn.

Giá bán nguyên liệu Lùng có chứng chỉ FSC cao hơn 15-20% so giá bán Lùng chưa có chứng chỉ FSC, góp phần nâng cao thu nhập và cơ hội phát triển rừng Lùng bền vững cho các hộ dân cũng như nhóm nông hộ quản lý và khai thác Lùng.

Từ năm 2018, Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam (SCBV)” do Liên minh châu Âu tài trợ, do Oxfam tại Việt Nam quản lý và triển khai đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và khai thác rừng Lùng theo tiêu chuẩn FSC cho các nhóm hộ dân ở xã Đồng Văn.

Người dân ở đây đã được các chuyên gia chỉ dẫn tận tình, cụ thể, từ cách phân loại và khai thác cây theo độ tuổi đến cách chặt sát gốc và dọn rác sau khi khai thác... Song song cung cấp kiến thức, dự án còn hỗ trợ các mô hình thí điểm phục hồi rừng Lùng tại một số bản trên địa bàn.

Chứng chỉ FSC là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng, trong đó có cây Lùng bảo đảm được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).

Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng, ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi…