Đến Khu du lịch Hải Hòa, hiện cơ sở vật chất hạ tầng khu du lịch, nhất là hạ tầng giao thông nội vùng còn thấp kém, chưa đầu tư hoàn thiện. Nhiều năm qua, người dân đã tự mua sắm, đưa xe điện bốn bánh vào lưu hành, sử dụng vào mục đích chuyên chở người. Hoàng Văn Phúc vừa học xong lớp 11, lái xe điện bốn bánh chở du khách ở khu du lịch Hải Hòa cho hay: Nhà cháu mới mua lại một chiếc xe điện cũ ở Sầm Sơn với giá 80 triệu đồng nên có hai xe điện bốn bánh. Bố điều khiển một chiếc và được nghỉ hè nên cháu điều khiển một chiếc làm dịch vụ chở khách du lịch. Số lượng xe điện bốn bánh tăng nhanh quá nên từ hôm khai trương hè du lịch biển Hải Hòa đến nay phương tiện do cháu điều khiển mới thu được vài triệu đồng từ dịch vụ chở khách du lịch. Cháu không có bằng lái và chỉ điều khiển phương tiện lưu hành trong khu du lịch.
Được biết, số lượng xe điện ở xã Hải Hòa do người lao động và một số cơ sở lưu trú cũng tự mua sắm sử dụng vào mục đích chở người. Phương tiện này đòi hỏi phải đưa vào sử dụng thường xuyên, không hoạt động, các bình ắc quy tích điện chóng hỏng và mỗi lần thay thế bộ ắc quy tốn kém hơn 10 triệu đến 20 triệu đồng/phương tiện. Lê Trọng Dương, ở thôn Đông Hải, xã Hải Hòa cùng em vợ, người mua xe chiếc xe điện hết 70 triệu đồng từ 2013 ở TP Hồ Chí Minh, người mua xe điện giá 40 triệu đồng từ Sầm Sơn vào cuối năm 2018 đưa về Hải Hòa sử dụng vào mục đích chở người. Chưa có bằng lái xe từ hạng B2 trở lên nhưng Dương vẫn điều khiển xe điện bốn bánh đưa, đón học sinh trên địa bàn xã nhiều năm nay với mức thu phí dịch vụ vận tải theo thỏa thuận 150-170 nghìn đồng/học sinh/tháng. Mỗi ngày hai anh em đưa, đón học sinh mầm non, tiểu học bốn đến sáu chuyến/ngày. Dương nhẩm tính, vận chuyển 30 cháu, đạt thu nhập hơn bốn triệu đồng/tháng. Mùa hè, hai anh em điều khiển phương tiện làm dịch vụ vận chuyển du khách tại khu du lịch Hải Hòa. Dương phàn nàn, một xe điện có giấy hải quan, kiểm định xe, hóa đơn mua bán, giấy tờ liên quan của doanh nghiệp bán xe nhưng chưa làm được đăng ký, gắn biển kiểm soát phương tiện nên từng bị phạt hành chính hơn tám triệu đồng về ba hành vi vi phạm.
Xe điện bốn bánh còn được sử dụng chuyên chở học sinh ở xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hòa, Phạm Văn Quyết thừa nhận: khu du lịch Hải Hòa chưa được phép thí điểm sử dụng bốn bánh sử dụng chở người và theo thống kê, báo cáo của công an xã, trên địa bàn xã có 60 xe điện bốn bánh, sử dụng vào mục đích chở người. Công an xã không được phép kiểm tra các phương tiện, xử lý các hành vi vi phạm, ngoài tuyên truyền tới chủ sở hữu, người điều khiển phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn khi tham gia giao thông, an ninh trật tự khu du lịch. Chính quyền cơ sở cũng không có chức năng và lúng lúng trong quản lý số lượng phương tiện này.
Làm việc với Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa chúng tôi được biết, đầu năm nay tỉnh Thanh Hóa mới ban hành quy định về phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động thí điểm đối với xe chở người bốn bánh chạy bằng năng lượng điện tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, xe điện bốn bánh chỉ được phép chở người trên gần 28 km ở TP Sầm Sơn; 3 km ở khu du lịch Hải Tiến và 2,7 km từ đầu cầu Treo đến suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Với khu du lịch Hải Hòa, đến thời điểm này chưa được cơ quan chức năng cho phép thí điểm, đưa xe điện bốn bánh sử dụng vào mục đích chở người. Công an huyện Tĩnh Gia cũng cũng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều chủ sở hữu, người điều khiển xe điện bốn bánh ở xã Hải Hòa. Hiện huyện Tĩnh Gia đang hoàn tất các thủ tục liên quan đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm sử dụng, lưu hành cùng phương phức quản lý xe điện bốn bánh chở người ở Khu du lịch Hải Hòa. Hiện trạng là gần 60 xe điện bốn bánh không đăng ký, đăng kiểm, nhiều người điều khiển phương tiện không có bằng lái từ hạng B2 trở lên vận hành, sử dụng vào mục đích chở người ở xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.