Gần 40% các trạm khí tượng thủy văn đã được tự động hóa

NDO -

Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn cả nước hiện có hơn 1.700 trạm, điểm đo. Gần 40% các trạm đã được tự động hóa. 

Trạm đo thời tiết ở Phú Yên (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên - Môi trường).
Trạm đo thời tiết ở Phú Yên (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên - Môi trường).

Theo Tổng cục Khí tượng - Thủy văn (Bộ Tài nguyên - Môi trường), đến nay, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) hiện có 1.719 trạm, điểm đo trên toàn quốc.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, mạng lưới trạm đã đầu tư phát triển 735 trạm, công trình, phương tiện đo KTTV. Tỷ lệ các trạm KTTV đã được tự động hóa khoảng gần 40%. Đặc biệt, các trạm đo mưa, bức xạ được đầu tư mới đã tự động 100%. Trạm đo mực nước tự động chiếm 53% tổng số trạm. 

Chất lượng số liệu đo đạc, quan trắc KTTV luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Thiết bị đo mưa tự động và triển khai áp dụng thử nghiệm trên mạng lưới trạm KTTV tại Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã được nghiên cứu phát triển. Từ đó, tạo sự chủ động trong thay thế linh kiện, bảo đảm mạng lưới trạm hoạt động thông suốt và tiết kiệm kinh phí do không phải nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài. 

Bên cạnh đó, hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV không ngừng được đổi mới, phát triển. Một số mô hình khu vực phân giải cao như mô hình HRM của Đức, WRF của Mỹ, ECMWF của châu Âu… đã và đang được vận hành hiệu quả tại Tổng cục KTTV. 

Việc dự báo đã tiến hành tới khoảng 600 các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển…Nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng dự báo KTTV.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, ngành KTTV đã theo dõi, dự báo sát, kịp thời 272 đợt không khí lạnh; 43 áp thấp nhiệt đới; 90 cơn bão; 126 trận lũ; 170 đợt nắng nóng; 228 đợt mưa lớn diện rộng. 

Đặc biệt, năm 2018 công tác dự báo hiệu quả đã góp phần giảm khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017, tương ứng với 40.000 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2019, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người. 

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Chất lượng các bản tin dự báo luôn đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra.

* Năm 2020 là năm đầu tiên kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam 3-10. Trong suốt chặng đường lịch sử 75 năm, ngành đã luôn đồng hành, kiến tạo phục vụ vì sự phát triển bền vững của đất nước.