Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Hồng, ngày 30/5, chỉ sau 1 ngày thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc tạm dừng hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn, thì các giếng nước trên địa bàn toàn xã bắt đầu có nước trở lại. Đồng thời, chính quyền cũng ghi nhận không có hiện tượng sụt, lún đất, nứt nẻ nhà, công trình như trước đây.
“Cụ thể, kể từ khi Công ty cổ phần Tân Hoàng Khang ngừng việc bơm hút nước ngầm ở mỏ quặng thiếc Thung Lùn, các giếng nước đã bắt đầu có nước trở lại, mà tình trạng sụt lún cũng đã chấm dứt”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Hồng cho biết thêm.
Thêm vào đó, tại địa bàn Châu Hồng mấy ngày vừa qua có mưa trên diện rộng nên mực nước tại các giếng nước trên địa bàn đã trở về mức ban đầu, như cuối năm 2019, khi chưa có tình trạng sụt, lún xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, ngày 29/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã đi kiểm tra hiện trường, đối thoại với nhân dân địa phương và làm việc với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp. Trên cơ sở đánh giá thực tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là không đánh đổi lợi ích kinh tế mà làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định cuộc sống của người dân xã Châu Hồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan và Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ khẩn trương tìm ra nguyên nhân sụt, lún ở Châu Hồng cùng các giải pháp khắc phục đi kèm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Quỳ Hợp, xã Châu Hồng phải triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân ở trong vùng sụt, lún.
Hiện tượng sụt, lún đất ở Châu Hồng bắt đầu từ năm 2020, nhưng nghiêm trọng nhất vào đầu năm 2022. Đến ngày 28/5, toàn xã có 232 ngôi nhà ở 6 bản bị nứt, nẻ, trong đó có cả công trình trường học, trụ sở làm việc của chính quyền địa phương cũng bị nứt nẻ; gần 300 giếng nước sinh hoạt bị cạn khô, trơ đáy, xuất hiện nhiều hố sụt, lún trên đồng ruộng, bờ suối, thậm chí hố “tử thần” xuất hiện cả trong nhà ở.
Địa phương đã chỉ đạo người dân sơ tán người và tài sản ra khỏi các ngôi nhà bị nứt nẻ, sụt, lún nghiêm trọng; tiến hành rào, lấp các hố tử thần; tổ chức kéo nước từ trên núi xuống cung cấp cho người dân...
Xã Châu Hồng là “thủ phủ” khai thác khoáng sản (đá trắng và thiếc) của huyện Quỳ Hợp. Toàn xã có khoảng 900 ngôi nhà và là nơi có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.