Theo một phân tích mới của UNICEF được công bố trong báo cáo, có ít nhất 242 triệu học sinh ở 85 quốc gia đã bị gián đoạn học tập do các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2024, bao gồm sóng nhiệt, bão nhiệt đới, bão tố, lũ lụt và hạn hán, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng học tập vốn đã tồn tại.
Giáo dục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng khí hậu
Các thống kê cho thấy, các đợt sóng nhiệt là thảm họa khí hậu chính khiến trường học phải đóng cửa vào năm ngoái, với hơn 118 triệu học sinh bị ảnh hưởng chỉ trong tháng 4. Trong đó, Bangladesh và Philippines đã phải đóng cửa hàng loạt trường học vào tháng 4, Campuchia phải rút ngắn 2 giờ trong tổng số thời gian học mỗi ngày. Vào tháng 5, nhiệt độ tăng đỉnh điểm lên tới 47 độ C/116 độ F ở một số khu vực của Nam Á, khiến trẻ em có nguy cơ bị sốc nhiệt.
Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) bà Catherine Russell cho biết: “Trẻ em dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng liên quan đến thời tiết, thí dụ như các đợt sóng nhiệt, bão tố, hạn hán và lũ lụt trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn".
“Cơ thể trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương, dễ bị tăng nhiệt hơn, đổ mồ hôi kém hơn và làm mát chậm hơn so với người lớn. Trẻ em không thể tập trung học nếu lớp học không có biện pháp giảm nhiệt, và không thể đến trường nếu đường bị ngập hoặc trường học bị cuốn trôi. Năm ngoái, thời tiết khắc nghiệt khiến 1/7 học sinh không thể đến lớp, đe dọa sức khỏe, sự an toàn và tương lai học tập lâu dài của các em”.
Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em
Một số quốc gia phải đối mặt với nhiều nguy cơ khí hậu. Thí dụ, tại Afghanistan, ngoài các đợt sóng nhiệt, nước này còn hứng chịu lũ quét nghiêm trọng làm hư hỏng hoặc phá hủy hơn 110 trường học vào tháng 5, khiến hàng nghìn học sinh bị gián đoạn học tập.
Trong khi đó, sự gián đoạn về giáo dục do khí hậu gây ra xảy ra thường xuyên nhất vào tháng 9 – thời điểm bắt đầu năm học ở nhiều nơi trên thế giới. Ít nhất 16 quốc gia đã đình chỉ lớp học tại thời điểm quan trọng này do các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm bão Yagi, ảnh hưởng đến 16 triệu trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, tổng cộng có 2.210 trường học bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Trong đó có 8 trường bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nặng và 1.866 trường bị hư hại một phần.
Theo phân tích, Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 128 triệu học sinh phải đối mặt với gián đoạn giáo dục do khí hậu trong năm ngoái, trong khi tại Đông Á và Thái Bình Dương, 50 triệu học sinh bị ảnh hưởng. Hiện tượng El Nino tiếp tục gây tác động nghiêm trọng tại châu Phi, với lượng mưa lớn và lũ lụt thường xuyên ở Đông Phi, cùng hạn hán nghiêm trọng ở một số khu vực phía Nam châu Phi.
Nhiệt độ tăng cao, bão, lũ lụt và các nguy cơ khí hậu khác có thể làm hư hại cơ sở hạ tầng và trang thiết bị trường học, cản trở việc đến trường, tạo ra môi trường học tập không an toàn, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng tập trung, trí nhớ cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.
Trong nhiều bối cảnh, việc trường học đóng cửa kéo dài khiến học sinh ít có khả năng quay lại lớp học hơn và làm tăng nguy cơ tảo hôn hoặc lao động trẻ em. Bằng chứng cho thấy rằng các em gái thường chịu tác động nghiêm trọng hơn, phải đối mặt với nguy cơ bỏ học và bạo lực cao hơn trong và sau các thảm họa.
Trên toàn cầu, hệ thống giáo dục vốn đã gây ra nhiều thách thức cho hàng triệu trẻ em. Việc thiếu giáo viên được đào tạo, lớp học quá tải, và sự khác biệt trong chất lượng cũng như khả năng tiếp cận giáo dục từ lâu đã tạo ra cuộc khủng hoảng học tập mà các thảm hoạ khí hậu đang làm trầm trọng thêm...
Bảo vệ trẻ em trước thời tiết cực đoan...
Báo cáo lưu ý rằng các trường học và hệ thống giáo dục phần lớn chưa được trang bị đầy đủ để bảo vệ học sinh khỏi những tác động về khí hậu. Điều này là do đầu tư tài chính tập trung vào khí hậu trong lĩnh vực giáo dục còn rất thấp và dữ liệu toàn cầu về gián đoạn giáo dục do các nguy cơ khí hậu còn hạn chế.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đang làm việc với các chính phủ và đối tác để hỗ trợ điều chỉnh và xây dựng các lớp học thích ứng với khí hậu nhằm bảo vệ trẻ em trước thời tiết cực đoan.
Tại Việt Nam, trẻ em đang chịu ảnh hưởng từ hạn hán, lũ lụt và các cơn bão, trong đó có bão Yagi vào tháng 9/2024. Để ứng phó, UNICEF đã hỗ trợ dụng cụ học tập cho hơn 22.200 trẻ em và đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác nhằm thúc đẩy giáo dục thích ứng với khí hậu và tăng cường khả năng chống chịu trong trường học và cộng đồng.
Vào tháng 11, UNICEF đã cảnh báo trong báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới rằng khủng hoảng khí hậu dự kiến sẽ lan rộng hơn trong giai đoạn 2050-2059. So với những năm 2000, số trẻ em chịu ảnh hưởng bởi các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt dự kiến tăng cao gấp 8 lần, trong khi số trẻ em chịu ảnh hưởng bởi các trận lũ sông sẽ tăng cao gấp 3 lần.
UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và các khu vực tư nhân hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em trước các tác động ngày càng tăng của khí hậu bằng cách: Bảo đảm các kế hoạch khí hậu quốc gia – bao gồm các Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định (NDCs) và Kế hoạch Quốc gia về Thích ứng với Biến đổi khí hậu – củng cố các dịch vụ xã hội quan trọng cho trẻ em như giáo dục để ứng phó với khí hậu và có khả năng chống chịu tốt hơn với thiên tai. Đồng thời, các kế hoạch này cần bao gồm đầy đủ các cam kết giảm phát thải để ngăn chặn các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Đầu tư vào các cơ sở học tập thích ứng với khí hậu và có khả năng chống chịu thiên tai để tạo điều kiện học tập an toàn hơn.
Thúc đẩy việc đầu tư để cải thiện khả năng chống chịu khí hậu trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm việc đầu tư vào các giải pháp đã được chứng minh và các giải pháp triển vọng.
Tích hợp giáo dục biến đổi khí hậu và các cam kết về trẻ em một cách rõ ràng vào mọi kế hoạch và hành động.
“Giáo dục là một trong những dịch vụ bị gián đoạn thường xuyên nhất do các thảm hoạ khí hậu. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho trẻ em những kiến thức và kỹ năng thích ứng với khí hậu, giáo dục lại thường bị bỏ qua trong các thảo luận chính sách,” bà Russell cho biết. “Tương lai của trẻ em phải được đặt lên hàng đầu trong mọi kế hoạch và hành động liên quan đến khí hậu”.