Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), gần 1,3 triệu trẻ em khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong học tập do ảnh hưởng của siêu bão Yagi.
Hàng nghìn trường học ở Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan đã bị ảnh hưởng, khiến trẻ em không có môi trường học tập an toàn, thiếu các bữa ăn bổ dưỡng và không được hỗ trợ tâm lý xã hội thiết yếu...
"Trường học là nơi các em được bảo vệ và ổn định, là nơi trú ẩn an toàn để học tập và vui chơi", bà June Kunugi, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết. "Tuy nhiên, việc nghỉ học dù chỉ vài tuần cũng có thể ảnh hưởng đến việc học tập, phúc lợi và cơ hội tương lai của trẻ em, kéo dài sự tiêu cực và bất bình đẳng. Khôi phục nhanh chóng việc học tập trong trường học có vai trò rất quan trọng, nhằm thiết lập lại sự ổn định và bảo đảm trẻ em có các nguồn lực cần thiết để phát triển”, bà June Kunugi nhấn mạnh.
Bão Yagi, một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực trong nhiều thập kỷ qua, đã và đang để lại nhiều dấu vết tàn phá. Theo các đánh giá gần đây về các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mưa lớn, lũ lụt và lở đất đang diễn ra đã ảnh hưởng đến hơn 5,3 triệu người, trong đó có ít nhất 1,5 triệu trẻ em.
Với nhiều trường học bị hư hỏng hoặc đóng cửa, trẻ em buộc phải học trong các lớp học tạm thời, thường không được trang bị phù hợp để học tập. Có nhiều học sinh - như học sinh ở một số tỉnh phía bắc Thái Lan - không biết bao giờ mới được trở lại trường học. Thời gian gián đoạn học tập kéo dài có thể tạo ra những lỗ hổng kiến thức, làm giảm sút kết quả học tập và tăng nguy cơ trẻ em bị tụt hậu, hoặc thậm chí bỏ học hoàn toàn. Đối với nhiều trẻ em, tình hình nêu trên làm căng thẳng gia tăng, khiến các em khó có thể tập trung vào học tập.
Tại Việt Nam, 1.607 trường học đã bị hư hỏng và hơn 960 nghìn trẻ em đã bị gián đoạn học tập do trường học đóng cửa và do bị mất sách vở, dụng cụ học tập.
Tại Lào, 90 trường học đã bị ảnh hưởng do lũ lụt nghiêm trọng, khiến hơn 20 nghìn trẻ em cần được hỗ trợ các vật dụng thiết yếu, bao gồm dụng cụ học tập, tài liệu học tập và bàn ghế, để các em có thể trở lại trường học kịp thời.
Còn tại miền bắc Thái Lan, 555 trường học và 19 nghìn học sinh đã bị ảnh hưởng, nhiều giáo viên phải chuyển sang dạy học trực tuyến và đích thân giao tài liệu học tập đến nhà của học sinh.
Tại Myanmar, hơn 300 nghìn học sinh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt, với nhiều trường học phải đóng cửa, bị hư hỏng, hoặc được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời, làm tăng thêm những khó khăn cho trẻ em vốn đang phải vật lộn với những khó khăn của cuộc xung đột đang diễn ra.
Trong công tác ứng phó với bão Yagi, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đang hợp tác với các chính phủ và các đối tác để cung cấp đồ dùng thiết yếu, phục hồi các trường học bị tàn phá và bảo đảm trẻ em có thể trở lại học tập càng sớm càng tốt.
Theo đó, tại Lào, hơn 1.600 bộ dụng cụ học tập sẽ được phân phát cho học sinh các trường mầm non và tiểu học. Theo kế hoạch hơn 1.000 trẻ em sẽ được hỗ trợ thông qua các lớp học tạm thời thân thiện với trẻ em, nơi các em được hỗ trợ học tập và tâm lý xã hội.
Tại Myanmar, trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sẽ được hỗ trợ các dụng cụ học tập thiết yếu và hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Tại Thái Lan, bộ dụng cụ hỗ trợ học tập đang được phân phát cho 3.350 trẻ em để hỗ trợ các em tiếp tục học tập và hơn 8.000 trẻ em sẽ nhận được hỗ trợ tâm lý.
Nhiều trường học tại tỉnh Thái Nguyên (Việt Nam) bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi). Ảnh: Nguồn UNICEF |
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam đang phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và sở giáo dục và đào tạo các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão để cung cấp tài liệu học tập cho hơn 23 nghìn trẻ em. Ngoài ra, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc còn hợp tác với Chính phủ Việt Nam tập huấn cho nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên trường học nhằm nâng cao khả năng chuẩn bị ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và hỗ trợ tâm lý xã hội.
Bên cạnh đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tiếp tục hợp tác với các chính phủ và đối tác để lồng ghép các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em, bảo đảm an toàn và phúc lợi của các em trong một môi trường nhiều biến động. Nỗ lực này bao gồm xây dựng các chương trình không chỉ giải quyết các nhu cầu trước mắt của trẻ em mà còn nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của các em cho tương lai...
Có thể thấy, trẻ em ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương ngày càng dễ bị tổn thương trước các nguy cơ về môi trường, với thời tiết cực đoan trong khu vực tăng mạnh trong năm thập kỷ qua.
Tác động của các sự kiện liên quan đến khí hậu, thời tiết, với tần suất gia tăng làm gián đoạn các dịch vụ xã hội thiết yếu cho trẻ em như: giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cấp nước dẫn đến những nguy hiểm trước mắt và những hậu quả lâu dài cản trở sự phát triển và ảnh hưởng đến phúc lợi của trẻ em.