Gần 1.900 ca nhiễm, Phú Yên sớm khoanh vùng, dứt điểm dập dịch

NDO -

Đến thời điểm này, Phú Yên đã có 1.878 ca nhiễm Covid-19, đã có 14 trường hợp tử vong. Riêng tại thành phố Tuy Hoà đã có 1.010 ca bệnh. Tỉnh đang sớm khoanh vùng, dứt điểm dập dịch.

Lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu cho người dân tại Khu phố Lê Duẩn, phường 7, thành phố Tuy Hoà, Phú Yên.
Lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu cho người dân tại Khu phố Lê Duẩn, phường 7, thành phố Tuy Hoà, Phú Yên.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Trên địa bàn thành phố Tuy Hòa xuất hiện nhiều ổ dịch mới như tại Bình Ngọc, phường 6, phường 8, Bình Kiến… Đáng lo ngại hơn nữa, số lượng người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về lại Phú Yên rất đông, chưa kiểm soát hết. 

Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của Phú Yên thời điểm này đó là sớm khoanh vùng, dứt điểm dập dịch, kiểm soát chặt người về từ vùng dịch để sớm đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới.

Chiều 9/8, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, đồng chí  Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, Ban thường vụ Tỉnh ủy vừa họp khẩn, chỉ đạo  triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh tập trung vào hai mục tiêu lớn nhất đó là tận dụng “thời gian vàng” thực hiện giản cách xã hội để lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, bóc tách “F0” ra khỏi cộng đồng quyết tâm sớm khoanh vùng, dập dịch và kiểm soát chặt người về từ vùng dịch.

Theo đó từ ngày 6/8, Phú Yên tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng, chống dịch. 

Các địa phương đang nguy cơ cao, ca nhiễm trong cộng đồng còn nhiều như thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, Tuy An tập trung khoanh vùng, lấy mẫu “trắng” trên diện rộng quyết tâm “bóc F0” ra khỏi cộng đồng, mở rộng các vùng xanh, thu hẹp các vùng phong tỏa, đẩy lùi và tiến tới dập dịch. Các địa phương đã cơ bản khống chế được dịch như Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân đang dần mở rộng “vùng xanh”, ổn đinh đời sống, duy trì sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết, riêng về công tác xét nghiệm năng lực đã được  nâng lên, mỗi ngày thực hiện 20.000 mẫu gộp đáp ứng nhu cầu xét nghiệm và trả kết quả sớm cho các địa phương. Tỉnh siết chặt khu cách ly khu phong tỏa “chặt cả bên trong lẫn bên ngoài” để ngăn chặn lây chéo, giảm số ca mắc Covid-19.

Riêng việc đơn và quản lý người phía nam về tỉnh Phú Yên cũng có kế hoạch, kịch bản khá chặt chẽ. Từ ngày 27/7 đến nay, Phú Yên đã tổ chức 6 đợt, với  hơn 2.600 công dân Phú Yên có hoàn cảnh khó khăn từ vùng dịch về Phú Yên an toàn.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, theo kế hoạch tỉnh sẽ tổ chức đón 12.000 người về Phú Yên.  Việc hỗ trợ người dân quê hương Phú Yên, dù ở bất kỳ đâu là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền. Đặc biệt, trong thời gian này, khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam đang triển khai nhiều biện pháp thắt chặt để chống dịch Covid-19 thì việc hỗ trợ bà con Phú Yên ở khu vực này là cần thiết và cần được đặc biệt quan tâm. 

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ngành phối hợp các cơ quan, đơn vị ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam triển khai các giải pháp giúp bà con Phú Yên ổn định cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tăng cường tuyên truyền để bà con chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch của địa phương cũng như của cả nước. Tiếp tục chuẩn bị, triển khai việc đưa người dân có nhu cầu trở về quê hương khi bảo đảm các điều kiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy  Phú Yên cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, khuyến khích bà con Phú Yên tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam để Chính phủ ưu tiên triển khai các giải pháp phòng chống dịch như xét nghiệm, tiêm chủng, hỗ trợ chính sách…, cùng với cả nước sớm khống chế, không để dịch bệnh lây lan. Tỉnh sẽ luôn đồng hành với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam để hỗ trợ bà con Phú Yên. 

Gần 1.900 ca nhiễm, Phú Yên sớm khoanh vùng, dứt điểm dập dịch -0
 Kiểm soát chặt tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 19C giáp ranh giữa hai huyện Đổng Xuân, Phú Yên và huyện Vân Canh tỉnh Bình Định.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ngành phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam thống nhất xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để đưa người dân có nhu cầu trở về địa phương bảo đảm chặt chẽ, khoa học, phù hợp với năng lực xét nghiệm, tổ chức quản lý, cách ly của từng địa phương; ưu tiên xem xét, tổ chức đưa về các trường hợp người dân có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam thực hiện tốt công tác xét nghiệm, sàng lọc trước khi tổ chức đưa về, tránh trường hợp lây nhiễm chéo trong quá trình đưa về địa phương.

Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để phối hợp tiếp nhận bà con trở về địa phương; thực hiện cách ly tập trung ngay các trường hợp đón về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam. Có biện pháp quản lý, kiểm soát tốt các trường hợp người dân trở về, tránh để xảy ra việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay nhằm sớm khống chế dịch trên địa bàn mình.

Tăng cường tuyên truyền vận động và triển khai các biện pháp để người dân tích cực tham gia xét nghiệm, bảo đảm hiệu quả của việc xét nghiệm diện rộng. Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong xã hội, tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực lấy mẫu xét nghiệm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao, khu cách ly, khu phong tỏa; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp gây lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng và thông tin rộng rãi để giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Tổ chức tốt việc tiêm vaccine theo kế hoạch phân bổ của tỉnh.

Tăng cường phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế và các ngành chức năng liên quan để liên tục rà soát, đúc rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong phòng chống dịch. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng ở cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực kiểm soát, giám sát và phòng, chống dịch…

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, Phú Yên xác định cần phải đúc rút kinh nghiệm của các địa phương đi trước, thực hiện tốt các hướng dẫn của Trung ương, của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, của Bộ Y tế… Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ để hỗ trợ các khâu như truy vết, xét nghiệm ... Việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch ban đầu gặp không ít trở lực vì hầu hết cán bộ, công chức, người lao động và cả người dân quen với thói quen cũ, ngại thay đổi. Do đó, tỉnh chọn cách tiếp cận từng bước, để cán bộ và người dân thấy lợi ích và quen dần với việc sử dụng các công nghệ, tiến tới triển khai rộng hơn, sâu hơn. 

Hiện nay, Phú Yên đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia và Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Chính phủ để đưa các giải pháp công nghệ vào tất cả các khâu phòng chống dịch. Việc triển khai các giải pháp này không chỉ có ý nghĩa ngay trong giai đoạn phòng chống dịch này, mà  quan trọng hơn, là Phú Yên sẽ có dữ liệu tích hợp, có thói quen sử dụng công nghệ, và một tư duy chấp nhận đổi mới. Đồng thời, đó cũng là một bước trong quá trình chuyển đổi số.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan