Kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cho biết, đến hết ngày 17/9, có 1.293 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm ở 14 đơn vị.
Theo Quyết định số 23, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động có mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động một tháng.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng mỗi người. Nguồn kinh phí ước tính là khoảng 4.500 tỷ đồng được lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Thời điểm triển khai chính sách từ ngày 1/7/2021 đến hết 31/12/2022. Doanh nghiệp nộp hồ sơ từ ngày 1/7/2021 đến hết 30/6/2022.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có đề xuất cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 68 về điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm.
Tại điểm 3 mục II, sửa đổi điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu: giảm từ 10% xuống 5%”. Cụ thể, “Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020”.
Theo quy định hiện hành có hiệu lực từ ngày 7/7/2021, một trong những điều kiện để người sử dụng lao động nộp hồ sơ thụ hưởng chính sách này là có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.