Trung tâm điều hành đô thị thông minh Quận 7 được xây dựng để đồng bộ các giải pháp công nghệ, bảo đảm các hệ thống hiện tại và tương lai có thể tích hợp, chia sẻ dữ liệu linh hoạt, thống nhất.
Trung tâm được phát triển dựa trên nền tảng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế do FPT xây dựng cho Quận 7 trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021.
Số hóa dữ liệu quản lý
Trung tâm sẽ hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa tích hợp dữ liệu về các lĩnh vực.
Về lĩnh vực kinh tế, trung tâm giúp số hóa dữ liệu của 29.273 hộ kinh doanh, 30.025 doanh nghiệp, 22 hợp tác xã, 9 chợ, siêu thị, 3 trung tâm thương mại, 165 cửa hàng tiện lợi.
Về lĩnh vực đô thị, quận 7 và FPT số hóa tất cả các bản đồ quy hoạch, số hóa 105 chung cư, 458 tuyến đường, 540 hẻm, 410 con sông và rạch, 100 cây cầu, 25 trụ nước cứu hỏa.
Ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trung tâm số hóa kế hoạch sử dụng đất, danh mục cây xanh, mảng xanh, điểm thu gom rác.
Trong lĩnh vực y tế, trung tâm số hóa 2.503 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, 5 bệnh viện, 266 nhà thuốc, 8 trạm y tế phường, 13 phòng khám đa khoa, 155 phòng khám chuyên khoa.
Về lĩnh vực văn hóa xã hội, FPT cùng quận số hóa 1.316 hộ nghèo, 641 hộ cận nghèo, 130 biển lắp đặt quảng cáo trên trung tâm.
Theo ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7, Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý nhà nước, kinh tế và xã hội cho quận.
“Trung tâm điều hành đô thị thông minh đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và nâng cao chất lượng phục vụ người dân; thể hiện quyết tâm thực hiện hóa tầm nhìn, khát vọng xây dựng Quận 7 trở thành trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, thể dục, thể thao chất lượng cao của khu vực phía nam Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Võ Khắc Thái nhấn mạnh.
Ông Võ Khắc Thái - Bí Thư Quận ủy quận 7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ra mắt Trung tâm điều hành đô thị thông minh. |
Trung tâm điều hành đô thị thông minh đã kế thừa những thành tựu công nghệ trong quá trình hợp tác bền chặt giữa Tập đoàn FPT và quận 7.
Trung tâm cũng được tích hợp từ các hệ thống thành phần như: Hệ thống giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông; Hệ thống an toàn thông tin, giám sát chỉ đạo, điều hành; Hệ thống góp ý phản ánh của người dân và doanh nghiệp; Hệ thống giám sát phòng chống dịch bệnh,
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ: “Việc ra mắt Trung tâm điều hành đô thị thông minh là thành quả quan trọng tiếp theo của quá trình hợp tác lâu dài, bền bỉ giữa Tập đoàn FPT và quận 7, cho thấy tầm nhìn về tư duy và phương thức điều hành số của lãnh đạo quận.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ là nền tảng đắc lực đưa quận 7 từng bước đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ của cải cách hành chính, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại quận, phục vụ cho công tác điều hành, lãnh đạo của quận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
FPT cam kết luôn song hành cùng quận 7 nói riêng và các đơn vị hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung trong quá trình phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT thể hiện cam kết song hành của FPT với Quận 7 trên tiến trình chuyển đổi số. |
Trước đó, vào năm 2021, tại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận 7 phối hợp cùng Tập đoàn FPT thần tốc xây dựng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế chỉ trong vòng 10 ngày.
Đây là bước tiến quan trọng, góp phần giúp quận 7 giữ vững vùng xanh, bảo đảm an ninh trật tự và khôi phục kinh tế.
Quận 7 đã khôi phục kinh tế ấn tượng với mức thu ngân sách tháng 10/2021 bằng cả quý III năm 2021, với 470 tỷ đồng.
Tiếp nối, Trung tâm được phát triển các hạng mục về dịch vụ hành chính công với nhiều tính năng ưu việt tạo bước tiến quan trọng, góp phần cụ thể hóa việc chuyển đổi số trong công tác chính quyền, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Trong quá trình này, các cán bộ công chức, công dân tại Quận đã được xây dựng văn hóa số thông qua việc sử dụng các ứng dụng như “Công chức trực tuyến” - cung cấp thông tin văn bản cho lãnh đạo và cán bộ công chức, theo dõi các chỉ đạo điều hành, giải quyết thủ tục hành chính; “Quận 7 trực tuyến” - phục vụ cho người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên thiết bị di động, kết hợp với dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán trực tuyến.
Nhờ đó, trong năm 2022, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính, đánh giá hài lòng của quận đạt trên 99%, thu ngân sách nhà nước được 5.550 tỷ, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Những tiền đề trên là bước đệm quan trọng để FPT song hành cùng quận 7 mở rộng phát triển dịch vụ hành chính công, đồng thời chuyển đổi và nâng cấp “Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế” thành “Trung tâm điều hành đô thị thông minh quận 7”, góp phần hiện thực hóa các tầm nhìn, khát vọng phát triển kinh tế-xã hội của quận 7.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển kinh tế-xã hội
Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ thiết lập chính quyền số với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại trên nền tảng các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ công dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường… được ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý hiện đại, hiệu quả, qua đó nâng cao năng lực quản lý, thực hiện tốt nhiệm vụ, tiết kiệm thời gian xử lý công việc.
Hệ thống thông tin của các đơn vị cung cấp cho lãnh đạo thông tin chính xác, kịp thời, trực tiếp để đưa ra các quyết định điều hành.
Việc xây dựng các hệ thống thông tin cùng với các giải pháp đồng bộ góp phần giảm thiểu thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính với chính quyền, từ đó cải thiện năng suất lao động, hiệu quả trong hoạt động kinh tế tại Quận.
Người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến một cách thuận tiện, có thể trực tiếp trao đổi đổi thông tin với chính quyền qua môi trường mạng, tạo bước đệm quan trọng hướng đến xây dựng xã hội số.