1/“Nhà khoa học chân đất” này ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa phẩm cấp cao phù hợp điều kiện thổ nhưỡng không chỉ vùng Lấp Vò mà còn ở nhiều nơi khác. Là người lính Cụ Hồ, năm 2000, ông Dũng xuất ngũ trở về với ruộng đồng, nơi mình cùng gia đình gắn bó bao lâu nay. Ông luôn trăn trở làm sao việc trồng lúa sinh hoa lợi không chỉ bù đắp chi phí sản xuất mà còn làm giàu.
Khởi đầu với 6.500m2 đất, nhìn mảnh ruộng có phần nhỏ bé, ông nhận thấy muốn thu được lợi nhuận phải tìm hướng đi riêng. Nguyên là cán bộ tiểu đoàn giữ vị trí tác chiến Tiểu đoàn trinh sát 1 Bộ Tham mưu Quân khu 9, ông Dũng còn có khiếu thuyết trình nên được cử học lớp tập huấn trồng lúa, phòng trừ sâu bệnh ngắn hạn do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Trường đại học Cần Thơ tổ chức.
Từ những điều học hỏi, ông Dũng hướng dẫn cho hàng trăm nông dân. Là người dám nghĩ, dám làm cộng với kiến thức cùng kinh nghiệm thực tiễn, ông bắt tay khởi nghiệp sản xuất lúa giống. Năm 2008, từ hai cặp nếp Thái IR50404 và IR50404 - OM 6976 lai tạo ra giống lúa LD2008 nhưng chưa thành công. Thời gian sau, ông kiên trì nghiên cứu và lai tạo thành công giống lúa LD2012, cho phẩm cấp và năng suất cao, thích nghi tốt với khí hậu, kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn… đáp ứng yêu cầu của nông dân, thay thế giống lúa IR50404 tuy có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ canh tác, nhẹ phân, khả năng quang hợp nhanh nên không bị lép nhưng giá trị thương phẩm lại thấp.
Nhận ra cần có sự đồng lòng, đồng bộ trong sản xuất, năm 2012, ông Dũng đề xuất với những hộ nông dân thành lập Hợp tác xã Giống Nông nghiệp Định An. Ông đảm nhận chức giám đốc với sự tin tưởng của các xã viên. Hợp tác xã ra đời nhằm tạo bước đột phá hướng nghiên cứu lai tạo giống lúa mới phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng địa phương. Trong một lần thăm đồng, ông Dũng phát hiện giống lúa mới cho hạt gạo mầu đỏ, ăn dẻo, có mùi thơm lá dứa đặt tên Ngọc Đỏ Hương Dứa. Điểm mạnh của giống lúa này là kháng rất tốt rầy nâu và đạo ôn, tiết kiệm chi phí nhờ khi lượng thuốc bảo vệ thực vật, không bón nhiều phân vẫn cho năng suất cao, đạt 6-7 tấn/ha. Trước khi mở rộng sản xuất, ông Dũng nhờ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) phân tích đưa ra kết quả, 100g Ngọc Đỏ Hương Dứa có hàm lượng 11,8mg sắt, 115mg canxi, 46,6mg vitamin E, 18,6mg Amyiose, vitamin B1, B2. 1kg gạo tương đương 100g thịt bò, protein 7,3%, glucose 5,5% hợp người bệnh tiểu đường… cho thấy tính nổi trội về dinh dưỡng. Ông vận động xã viên trồng nhân rộng, đưa ra thị trường và nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều cá nhân, đơn vị. Gạo Ngọc Đỏ Hương Dứa chuẩn OCOP 3 sao là thương hiệu của huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.
2/Không chỉ với giống lúa đặc sản trên, ông Dũng cùng xã viên lai tạo thành công nhiều giống lúa được bà con nông dân đánh giá cao như: Tím Sen, Nhũ Hồng, LD2012-1, 384... Những giống lúa này gieo trồng, canh tác trên diện tích 39ha. Chính những giống lúa mới phẩm cấp cao đem đến sự phấn khởi do tăng cao thu nhập không chỉ với ông Dũng mà còn với xã viên của hợp tác xã. Ông chia sẻ: “Hợp tác xã đã nghiên cứu, lai tạo, cho ra đời nhiều giống lúa năng suất cao, bán được giá, được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Với nhiều ưu điểm: thời gian sinh trưởng ngắn, thân cao, chống chịu ngã đổ tốt, thích nghi với điều kiện canh tác, kháng sâu bệnh tốt, cho phẩm chất gạo cao...”.
Gần đây, giống lúa mới Huyền Ngọc Định An lai tạo từ Ngọc Đỏ Hương Dứa cho hạt gạo mầu đen, mềm cơm, có độ dinh dưỡng cao hơn nữa. Đây là hai giống lúa phù hợp tiêu chuẩn của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc) lại có nhiều ưu điểm, trong đó có thành phần dinh dưỡng vượt trội. Những giống lúa này đều sản xuất theo hướng hữu cơ. Số liệu được ghi chép rõ ràng. Thời gian tới, canh tác theo hướng thông minh sử dụng thiết bị tiên tiến như thiết bị bay (UAV) trong gieo sạ, rải phân đến phun thuốc, tưới tiêu, dùng cảm biến để cảnh báo, diệt sâu rầy... đạt hiệu quả cao.
3/Là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, cùng với việc tìm tòi cho ra đời những giống lúa mới phẩm cấp cao, ông Dũng luôn quan tâm đóng góp xây dựng phát triển địa phương trong các công tác an sinh xã hội. Thời gian qua, ông và gia đình đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng hàng trăm ngày công lao động đóng góp xây dựng nông thôn mới cùng nhiều công tác thiện nguyện khác. Từ những lời cha ông đúc kết “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” được ông Dũng đưa vào vận dụng trong thực tế sản xuất. Ông bắt tay xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mẫu lập ra một khu riêng cho nông dân đến học tập kinh nghiệm, cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học như Khoa Nông nghiệp Trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp thực tập sản xuất nhân giống nguyên chủng nhận ra giá trị của lúa giống phẩm cấp cao. Khi về đây thực tập, các em sinh viên rất vui vì được các cô chú xã viên chỉ bảo tận tình. Đồng thời, ông Dũng tạo một mô hình cho du khách tham quan “trải nghiệm nông dân” với các hoạt động như câu cá, bơi xuồng, nấu những món ăn đồng nội… Ông tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, hướng dẫn, giúp đỡ 24 lao động, trong đó có 5 hộ khó khăn; hằng năm phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho hàng trăm nông dân.
Sinh viên Khoa Nông nghiệp Trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp thực tập sản xuất nhân giống nguyên chủng trên cánh đồng Hợp tác xã Định An. |
Là người dành mọi tâm huyết cho cây lúa, ruộng đồng, ông Dũng luôn nỗ lực, tìm tòi, phát huy sáng kiến tạo mô hình mới. Cùng với sản xuất, gieo trồng… ông cùng xã viên Hợp tác xã Giống Nông nghiệp Định An đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng các hạng mục trong trại nghiên cứu và sản xuất. Đầu tư đường bê-tông gần 1 tỷ đồng (dài 1.012m, rộng 1,5m) bao quanh 6ha đất sản xuất lúa giống tạo thuận lợi cho việc tham quan. Để có thành công như hôm nay, “Nhà khoa học chân đất” không tránh được thất bại nhưng nhờ sự đồng sức, đồng lòng của tập thể xã viên, ông không nản chí và gặt hái kết quả. Theo cán bộ, nhân viên Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp “Ông Dũng là người “yêu” cây lúa say mê, ấp ủ đưa hạt gạo Việt sánh tầm châu lục”.
Với tinh thần vì cộng đồng, có nhiều đóng góp trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Anh Dũng vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hai năm 2012, 2017; Bằng khen của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2009; Huy chương Vàng Festival quốc tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2017. Trong chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam 2021”, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”.