Ðến nay, nước ta vẫn là nước nông nghiệp, sản xuất chủ yếu là lúa gạo. Mặc dù quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, diện tích sản xuất lúa gạo ngày càng bị thu hẹp, nhưng năng suất sản lượng lương thực mỗi năm đều tăng hơn một triệu tấn. Ai cũng biết nói đến đồng bằng sông Cửu Long là nói đến lúa gạo, bởi lẽ lúa gạo là mặt hàng chủ lực của vùng và là sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam. Hơn nữa, ngày nay lúa gạo Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, năm 2008 xuất khẩu năm triệu tấn, năm 2009 có khả năng xuất khẩu đến sáu triệu tấn gạo. Tuy nhiên, điệp khúc "Ðược mùa, mất giá" vẫn tiếp diễn, gạo xuất khẩu giá thấp, thị trường không ổn định làm cho đời sống người nông dân còn lắm khó khăn. Ngoài ra, việc giới thiệu tiềm năng thế mạnh về sản xuất lúa gạo cũng như xây dựng và quảng bá thương hiệu lúa gạo Việt Nam ở thị trường thế giới chưa tương xứng với thực tại. Ðể lúa gạo Việt Nam phát triển xứng tầm ở thị trường trong nước lẫn quốc tế, thì đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Hơn hết, cần tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất và nhà tiêu dùng hay nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu để tiến tới hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết. Festival lúa gạo Việt Nam sẽ là chiếc cầu nối cho những suy nghĩ, sáng kiến và những ước mơ cho lúa gạo Việt Nam thăng hoa cũng như nâng cao uy tín thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Ý tưởng tổ chức Festival lúa gạo do Tỉnh ủy Hậu Giang đề xuất được sự đồng lòng và ủng hộ mạnh mẽ của tập thể Ðảng bộ, sự hưởng ứng nhiệt tình của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ÐBSCL, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội. Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Hậu Giang đăng cai tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất diễn ra từ ngày 28-11 đến 2-12-2009.
Với vị trí địa lý thuận lợi nằm ở tiểu vùng Tây sông Hậu và có kênh xáng Xà No, con đường lúa gạo miền Hậu Giang, một trong những nơi xuất khẩu gạo đầu tiên của Việt Nam, những yếu tố chính là lợi thế để Hậu Giang đăng cai tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất từ 28-11 đến 2-12-2009. Festival lúa gạo Việt Nam nhằm tôn vinh nền văn minh lúa nước, tiềm năng, thế mạnh sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng giao thương buôn bán, xuất khẩu lúa gạo, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất là một trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hơn nữa, việc đăng cai tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất chính là động lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở một tỉnh mới thành lập, vốn dĩ trong tình trạng yếu kém như Hậu Giang. Ðặc biệt, thị xã Vị Thanh, điểm chính diễn ra Festival lúa gạo lần thứ nhất, có điều kiện tăng tốc quá trình đô thị hóa cũng như hoàn thiện các tiêu chí của một đô thị loại 3 sẽ công nhận vào dịp cuối năm. Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất còn là cơ hội để Hậu Giang kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trọng điểm như: hạ tầng giao thông, hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp tập trung, hạ tầng thương mại, dịch vụ... Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất còn cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về vấn đề "tam nông" (nông nghiệp, nông dân và nông thôn).
Festival sẽ có sự tham dự của đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nhiều nước có quan hệ mua bán lúa gạo với Việt Nam, đến giới thiệu về kỹ thuật sản xuất lúa gạo, tham quan, tìm hiểu cây lúa nước, tìm hiểu thị trường và ký kết mua bán.
Festival có gần 20 hoạt động, trong đó có các hoạt động chính gồm: Lễ hội khai mạc, bế mạc, cố gắng giới thiệu giá trị nghệ thuật đặc trưng của sông nước Cửu Long gắn văn minh lúa nước và bản sắc văn hóa dân tộc, bốn cuộc hội thảo (gồm hội thảo quốc tế về xuất khẩu lúa gạo, hội thảo về xúc tiến đầu tư, hội thảo về kênh xáng Xà No, hội thảo về cây lúa nước Việt Nam). Về triển lãm, ngoài 200 gian triển lãm của các doanh nghiệp ngành kinh doanh lương thực và doanh nghiệp có sản phẩm phục vụ sản xuất lúa gạo, còn có 100 gian triển lãm các tỉnh, thành phố, khu triển lãm và trình diễn về cây lúa nước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu triển lãm của ngành lương thực Việt Nam, khu chợ lúa gạo Việt Nam.
Từ việc tôn vinh những thành tựu của nền văn minh lúa nước, tiềm năng, thế mạnh sản xuất lúa gạo, thúc đẩy sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng giao thương buôn bán, xuất khẩu lúa gạo, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam để triển khai thành chương trình hành động trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua các cuộc hội thảo, hội thi, những thành tựu khoa học kỹ thuật và những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo của doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Festival lúa gạo, vạch ra được hướng đi mới cho sản phẩm lúa gạo Việt Nam nói chung, cũng như ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. Từ đó, quy hoạch lại sản xuất và định hướng cho nông dân trong khâu chọn giống để tăng năng suất và chất lượng lúa gạo, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Có như thế mới gia tăng năng suất, chất lượng và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Khi đó, điệp khúc "Ðược mùa, mất giá" đối với lúa gạo Hậu Giang cũng như Việt Nam sẽ không còn lặp lại. Ðời sống nông dân từng bước nâng lên mới thúc đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Những kinh nghiệm, thành tựu khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế được đúc kết từ những cuộc hội thảo, hội thi tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất là những sản phẩm vô giá mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp nói chung và nghề trồng lúa nước nói riêng. Trên cơ sở đó, Hậu Giang quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác theo hướng toàn diện hơn. Trước mắt, tập trung cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn chuyên sâu như: cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật... Không chỉ tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ trong ngành nông nghiệp, mà phải tăng cường đào tạo và có chính sách thu hút nhân tài đối với ngành công nghệ cao phục vụ sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ. Có như thế, Hậu Giang mới phát huy được thế mạnh nông nghiệp của tiểu vùng Tây sông Hậu.
Festival lúa gạo Việt Nam mang đậm tính nhân văn và ý nghĩa kinh tế xã hội sâu sắc. Với sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự hưởng ứng tích cực của cả nước và sự quyết tâm cao của toàn Ðảng, toàn quân và nhân dân Hậu Giang, chắc chắn Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất sẽ thành công tốt đẹp.
Nguyễn Phong Quang
Ủy viên Trung ương Ðảng,
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang