Eurostat: Kinh tế Eurozone rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật

Theo số liệu mới từ Eurostat - Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU), nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật từ đầu năm nay, giảm 0,1% trong 2 quý liên tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu, tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu, tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Eurostat đã điều chỉnh dự báo trước đó rằng kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng nhẹ sau khi nền kinh tế đầu tàu là Đức hồi tháng trước thông báo rơi vào suy thoái.

Những dữ liệu "tệ hơn mong đợi" được công bố trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao đã kiềm chế nhu cầu Đức. Cụ thể, Eurostat đã điều chỉnh dự báo kinh tế khu vực Eurozone từ tăng trưởng nhẹ 0,1% trong quý IV/2022 và 0,2% trong quý I vừa qua thành suy giảm 0,1% cho mỗi giai đoạn nêu trên. Hai quý suy giảm GDP liên tiếp được định nghĩa là suy thoái kỹ thuật.

Các nền kinh tế Eurozone đã trải qua 1 năm đầy thách thức khi giá năng lượng tăng dẫn tới lạm phát leo thang. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện các đợt tăng lãi suất tổng cộng là 3,75 điểm phần trăm kể từ tháng 7/2022 để kiềm chế lạm phát.

Những dữ liệu mới cũng làm dấy lên những nghi ngại chung quanh các dự báo tích cực về kinh tế khu vực cho cả năm 2023.

Hồi giữa tháng 5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực cả năm nay là 1,1 % ở 20 quốc gia thành viên Eurozone. Charlotte de Montpellier, nhà kinh tế học của ING Bank, dự báo kinh tế khu vực năm nay sẽ chỉ tăng trưởng 0,5%.

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố ngày 6/6 cho thấy người tiêu dùng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã hạ thấp kỳ vọng về lạm phát. Đây là thông tin đáng mừng cho các nhà hoạch định chính sách sau khi lạm phát bất ngờ tăng trong tháng 4.

ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 375 điểm cơ bản trong năm qua để ngăn chặn tốc độ tăng giá quá nhanh và có thể phải đến năm 2025, lạm phát mới quay trở lại mức mục tiêu 2% khi tiền lương tăng nhanh và nhu cầu dịch vụ mạnh tiếp tục gây áp lực lên giá cả.