Tiktok vừa thông báo điều chỉnh nhiều tính năng nhằm đáp ứng các quy định của DSA. Theo đó, nền tảng chia sẻ video này sẽ cho phép người dùng EU tắt tính năng tự động hiển thị nội dung dựa trên sở thích cá nhân.
Ngoài ra, những điều chỉnh của TikTok cũng cấm quảng cáo nhằm vào đối tượng từ 13-17 tuổi, cũng như tạo điều kiện để người dùng EU dễ dàng báo cáo các nội dung bất hợp pháp.
TikTok nhấn mạnh sẽ minh bạch hơn trong các quyết định kiểm duyệt nội dung, cung cấp lý do vì sao một video bị xóa bỏ. Trong thông báo mới đây, TikTok khẳng định sẽ tuân thủ DSA nhằm bảo đảm an toàn, quyền riêng tư và bảo mật cho người dùng tại EU. Trước đó, nhiều doanh nghiệp như Meta, Apple, Google… cũng cho biết đang phối hợp các cơ quan chức năng EU nhằm đáp ứng những quy định mới trong DSA.
Báo cáo do công ty tư vấn kỹ thuật số Kepios công bố mới đây chỉ ra rằng, hiện có 5 tỷ người, tương đương hơn 60% dân số thế giới, hoạt động trên mạng xã hội.
Do đó, các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm trở thành mảnh đất màu mỡ để gieo rắc và lan truyền những thông tin sai lệch, kích động bạo lực và thù hận. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cho rằng, đang tồn tại một khoảng trống pháp lý, trong đó các nền tảng truyền thông xã hội có thể cho phép đăng tải bất kỳ nội dung nào mà không phải chịu trách nhiệm.
Vì vậy, với bước đi mới đây của TikTok cùng cam kết tuân thủ DSA mà các hãng công nghệ đưa ra, nhiều chuyên gia kỳ vọng về những thay đổi tích cực mà DSA mang lại, góp phần giúp không gian mạng xã hội tại EU an toàn hơn, cũng như thiết lập lại trách nhiệm của các tập đoàn công nghệ lớn trong thời gian tới.
Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số được EU xây dựng với mục tiêu ngăn chặn các phát ngôn kích động thù hận, thông tin sai lệch và tình trạng vi phạm bản quyền tại châu Âu.
Ngoài ra, DSA cũng bao gồm các quy định cấm quảng cáo nhằm vào trẻ vị thành niên và ngăn chặn thuật toán thúc đẩy người dùng đồng ý theo dõi trực tuyến.
Các gã khổng lồ công nghệ dự kiến là đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ DSA.
Theo đó, những công ty có hơn 45 triệu người dùng mỗi tháng tại EU được coi là các nền tảng trực tuyến rất lớn và phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt hơn như chịu trách nhiệm gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp, gửi đánh giá rủi ro cho cơ quan điều hành của EU nêu chi tiết cách xử lý nội dung độc hại.
Trong số 19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm chịu sự giám sát chặt chẽ có Instagram, AppStore, YouTube, TikTok, Bing, Google Search…
Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton nhấn mạnh, hệ thống giám sát mới sẽ tạo ra một mạng lưới rộng và chặt chẽ, bao quát tất cả hành động không tuân thủ quy định, từ đó đưa ra biện pháp xử lý sai phạm.
Nếu không tuân thủ quy định trong đạo luật DSA, các công ty công nghệ lớn có thể sẽ phải đối mặt khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hằng năm trên toàn cầu. Thậm chí, nếu hành vi vi phạm tiếp tục tái diễn nhiều lần, dịch vụ có thể bị cấm tại thị trường rộng lớn với 450 triệu dân của EU.
Xây dựng môi trường internet an toàn, lành mạnh hơn là thách thức của các nước EU. Vì vậy, giới phân tích kỳ vọng, việc các ông lớn công nghệ tuân thủ quy định trong DSA không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng châu Âu, mà còn thúc đẩy phong trào “dọn rác” trên mạng xã hội phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới.