Tuyên bố trên của người đứng đầu ECB, bà Lagarde, được đưa ra trong bối cảnh giá tiêu dùng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tháng 11 vừa qua tăng tới 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 10 trước đó, lạm phát đã tăng lên mức cao kỷ lục 10,6%, trong khi mức lạm phát mục tiêu của ECB chỉ là 2%. Ðể chống lại mức lạm phát tăng cao, ECB đã nhiều lần tăng lãi suất kể từ mùa hè vừa qua.
Gần đây nhất, ngày 15/12, ECB đã tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp, theo đó lãi suất cơ bản được tăng 0,5 điểm phần trăm lên 2,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, mức tăng này đánh dấu sự giảm đà đáng kể so với 0,75 điểm phần trăm trong hai lần tăng trước trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh và nguy cơ suy thoái đang xuất hiện.
Chủ tịch ECB khẳng định, ngân hàng đang tăng lãi suất và sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định cho đến khi ở mức bảo đảm quay lại mục tiêu đề ra. Dự báo chính sách này sẽ được duy trì trong những tháng tới, trong bối cảnh giá tiêu dùng tiếp tục tăng do chi phí năng lượng cao. Mặc dù tăng lãi suất được coi là một công cụ quan trọng để kiểm soát lạm phát, song giới phân tích cho rằng, chính sách này cũng đặt gánh nặng lên nền kinh tế bởi các công ty và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn hơn khi đi vay cũng như trả nợ.
Theo dự báo mới nhất của ECB, tỷ lệ lạm phát trung bình hằng năm tại Eurozone trong năm 2022 là 8,4% và sẽ giảm xuống 6,3% trong năm 2023 trước khi còn 3,4% vào năm 2024. Là nền kinh tế đầu tàu châu Âu, nhưng Ðức cũng chật vật đối phó “bão giá” và lạm phát leo thang. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Ðức (Bundesbank) Joachim Nagel (G.Na-ghen) nhận định, lạm phát của Ðức đến năm 2024 mới có thể giảm mạnh.
Theo ông Nagel, lạm phát trong năm 2023 của Ðức vẫn sẽ ở mức 7% do tác động của lãi suất thấp sẽ mất nhiều thời gian hơn để có hiệu quả mong muốn. Ông Nagel dự báo, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm trong tháng 12 nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Ðức đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Người đứng đầu Bundesbank dự báo, lạm phát của Ðức sẽ giảm trong năm tới với điều kiện ECB tiếp tục tăng lãi suất.
Một trong những khó khăn mà EU phải đối mặt trong cuộc chiến chống lạm phát là tác động của Ðạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ đối với các nền kinh tế ở Lục địa già. Với việc cho phép miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ; cấp các khoản trợ cấp cho các công ty và người tiêu dùng để chuyển đổi sang công nghệ xanh và bảo vệ môi trường; đồng thời quy định áp mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm, đạo luật IRA được cho là sẽ gây bất lợi cho các công ty của châu Âu.
Liên minh châu Âu (EU) lo ngại, các rào cản thương mại mới này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, có thể ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe điện của châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (U.Lây-en) kêu gọi hành động để giải quyết những quan ngại liên quan đến IRA và cho rằng, EU cần hành động để tạo sân chơi công bằng, cũng như làm việc với Mỹ để giải quyết một số khía cạnh đáng lo ngại nhất của IRA. Ðến nay, Mỹ và EU đang tìm cách đàm phán nhằm giải quyết những quan ngại của EU về IRA, song vẫn còn nhiều vấn đề khó có thể thỏa hiệp.
Như vậy, sau 6 năm áp dụng chính sách lãi suất bằng 0, ECB đã khởi xướng cuộc thay đổi về chính sách lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát. Bất chấp việc tăng lãi suất có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, song các nước EU đang thể hiện quyết tâm đưa lạm phát trở lại mức 2%, cho dù chặng đường phía trước còn dài và nhiều chông gai.