Cộng hòa Séc - quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của EU - đang thúc đẩy lệnh cấm thị thực đối với khách du lịch Nga trên toàn EU.
Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của các quốc gia vùng Baltic và Phần Lan, song Đức và nhiều nước thành viên khác cũng như Đại diện cấp cao EU Josep Borrell phản đối, cho rằng điều đó có thể vi phạm các quy định của EU.
Một số nguồn tin cho biết, EU dự kiến giảm số lượng thị thực được cấp cho công dân Nga, nhưng sẽ không cấm hoàn toàn và việc xin giấy thông hành sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn đáng kể.
Hiện nay, các công dân Nga chủ yếu nhập cảnh EU thông qua các khu vực biên giới trên bộ của 5 quốc gia, kể từ khi các chuyến bay thẳng giữa Nga và khối này phải tạm ngừng hoạt động sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2 năm nay.
Giữa tháng 8 này, Estonia đã cấm nhập cảnh đối với hơn 50 nghìn người Nga, dù họ đã được cấp thị thực trước đó, và là quốc gia đầu tiên trong EU thực hiện động thái như vậy.
Phần Lan cũng vừa tuyên bố sẽ hạn chế các đơn xin thị thực của Nga ở mức 1/10 con số hiện tại.
Cho đến nay, Đức vẫn phản đối việc hạn chế thị thực đối với công dân Nga trên toàn lãnh thổ EU.
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine "không phải là cuộc chiến của người dân Nga".
Bên cạnh Đức, Pháp và Hà Lan cũng là 2 thành viên chủ chốt của EU phản đối hạn chế thị thực đối với công dân Nga.
Trước đó, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ rằng, lập trường của Liên hợp quốc là chống lại sự phân biệt đối xử trong vấn đề cấp thị thực.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8 cũng khẳng định, Mỹ không muốn đóng cửa các con đường với người Nga.
Tuy nhiên, Washington sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để áp đặt các chi phí, trong đó có những hạn chế về thị thực, nhằm vào các quan chức Nga và những người hỗ trợ họ.