Theo Báo cáo Di động Ericsson tháng 6 của Ericsson, bất chấp những thách thức địa chính trị và suy thoái kinh tế vĩ mô ở một số thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông trên toàn thế giới đang tiếp tục đầu tư vào 5G. Sau khi ra mắt dịch vụ 5G vào tháng 10 năm 2022, thị trường 5G Ấn Độ đang chứng kiến các đợt triển khai mạng khổng lồ theo sáng kiến Digital India của chính phủ.
Số thuê bao 5G ở Ấn Độ đạt khoảng 10 triệu vào cuối năm 2022 và ước tính chiếm khoảng 57% số thuê bao di động ở quốc gia này vào cuối năm 2028, khiến Ấn Độ trở thành khu vực 5G phát triển nhanh nhất trên toàn cầu.
Báo cáo Di động mới nhất của Ericsson cũng tiết lộ rằng mức độ lan tỏa của các thuê bao 5G ở Bắc Mỹ đã mạnh hơn dự kiến trong các dự báo trước đó. Vào cuối năm 2022, khu vực này có tỷ lệ thâm nhập thuê bao 5G toàn cầu cao nhất ở mức 41%.
Số lượng thuê bao 5G đang tăng lên ở mọi khu vực trên toàn thế giới và dự báo sẽ đạt 1,5 tỷ vào cuối năm 2023. Lưu lượng dữ liệu mạng di động toàn cầu tiếp tục tăng với mức sử dụng trung bình toàn cầu hàng tháng trên mỗi điện thoại thông minh dự kiến sẽ vượt trên 20 GB vào cuối năm 2023.
Báo cáo cũng cho thấy doanh thu tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường 5G hàng đầu. Fredrik Jejdling, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc mạng của Ericsson, cho biết: “Việc áp dụng công nghệ 5G trên toàn cầu đã vượt mốc một tỷ thuê bao, mang lại tăng trưởng doanh thu tích cực cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông tại các thị trường 5G hàng đầu. Chúng tôi nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sự gia tăng số lượng thuê bao 5G và doanh thu dịch vụ. Trong hai năm qua, việc ra mắt dịch vụ 5G tại 20 thị trường hàng đầu đã giúp doanh thu tăng 7%. Xu hướng này cho thấy giá trị ngày càng tăng của 5G, mang lại lợi ích cho cả người dùng và nhà cung cấp dịch vụ”.
Trên toàn thế giới, khoảng 240 nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) đã triển khai dịch vụ 5G thương mại và khoảng 35 nhà cung cấp đã triển khai hoặc ra mắt mạng 5G độc lập (SA). Các dịch vụ 5G phổ biến nhất do các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng là băng thông rộng di động nâng cao (eMBB), truy cập không dây cố định (FWA), gaming và một số dịch vụ sử dụng AR/VR, chẳng hạn như đào tạo và giáo dục.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng 5G tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo trong gói dịch vụ di động. Trong số các CSP, việc cung cấp các gói với nhiều dịch vụ giải trí phổ biến khác nhau như truyền hình, truyền phát nhạc hoặc nền tảng game trên đám mây đang ngày càng phổ biến. Khoảng 58% các nhà cung cấp dịch vụ 5G hiện đang làm điều này dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hơn 100 CSP, bao gồm khoảng 40% nhà cung cấp dịch vụ FWA, hiện đang cung cấp FWA trên 5G.
Mạng truy cập không dây cố định (FWA) đang phát triển vững chắc trên các mặt: Số lượng nhà cung cấp dịch vụ di động cung cấp FWA; Tỷ lệ nhà cung cấp FWA trên 5G; Tỷ lệ CSP có cấu trúc giá cước dựa trên tốc độ; Lượng lưu lượng được phục vụ, khi cả số lượng kết nối và lưu lượng trên mỗi kết nối đều tăng.
Đến năm 2028, 5G ước tính chiếm gần 80% tổng số kết nối FWA.
Điểm nổi bật của Đông Nam Á và châu Đại Dương: Lưu lượng dữ liệu di động trên mỗi điện thoại thông minh tiếp tục tăng mạnh ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, dự kiến sẽ đạt khoảng 54 GB mỗi tháng vào năm 2028 – tốc độ CAGR là 24%. Tổng lưu lượng dữ liệu di động được ước tính sẽ tăng từ khoảng 13 EB mỗi tháng vào năm 2022 lên 55 EB mỗi tháng vào năm 2028, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 27%.
Các thuê bao 5G được dự báo sẽ đạt khoảng 430 triệu vào cuối năm 2028 và sẽ đóng góp 34% tổng số thuê bao di động trong khu vực vào thời điểm đó.
Về phạm vi phủ sóng 5G, đến cuối năm 2022: 5G đã được phủ sóng cho khoảng 50% dân số ở Malaysia và 66% ở Philippines; Hơn 80% dân số ở Australia và Thái Lan có truy cập 5G; Singapore đạt mức độ bao phủ hơn 95% vào giữa năm 2022.
Ông Denis Brunetti, Giám đốc Ericsson tại Việt Nam và Myanmar, cho biết: “Chúng tôi đã và đang hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam triển khai thử nghiệm 5G thương mại kể từ năm 2020, phát huy tầm nhìn dẫn đầu về công nghệ của chúng tôi nhằm mang lại trải nghiệm tiêu dùng cao cấp cho các đơn vị triển khai 4G tại Việt Nam cũng như nâng cấp lên 5G một cách hiệu quả và liền mạch khi cần thiết. 5G sẽ mang tới một hạ tầng quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam”.
Số lượng thuê bao di động ở khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng với tốc độ CAGR là 3%, đạt hơn 1,12 tỷ vào năm 2028 từ mức 930 triệu vào cuối năm 2022. 4G cũng cho thấy sự tăng trưởng với số lượng thuê bao dự kiến đạt 770 triệu vào năm 2028 từ 640 triệu vào cuối năm 2022 – tốc độ CAGR là 3%.