Chương trình diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023), 93 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1930-2023) và Ngày Phụ nữ Việt Nam và 24 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” (1999-2023).
“Sắc thu Việt-Nhật” gồm các hoạt động biểu diễn ca múa nhạc, trình diễn thời trang, trò chuyện với nhà thiết kế, tham quan triển lãm ảnh và trải nghiệm mặc thử yukata Nhật Bản (trang phục truyền thống như kimono song thiết kế gọn nhẹ hơn và được ứng dụng thường ngày).
Sự kiện thu hút công chúng Thủ đô và đại diện nhiều Đại sứ quán, tổ chức văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. |
Điểm nhấn của sự kiện là hai bộ sưu tập thời trang “Bốn mùa Nhật Bản” của chuyên gia kimono Junko Sophia Kakizaki và “Việt Nam gấm hoa” của nhà thiết kế Nguyễn Lan Vy. Vẻ đẹp duyên dáng, thướt tha và rực rỡ sắc màu của trang phục truyền thống phụ nữ hai quốc gia Việt Nam, Nhật Bản đồng thời cũng thể hiện nhiều nét tinh hoa như lịch sử lâu đời, thẩm mỹ tinh tế, kỹ thuật chế tác tinh xảo, lễ nghi và ý nghĩa khi sử dụng…
Bộ sưu tập “Bốn mùa Nhật Bản” của chuyên gia Kimono Junko Sophia Kakizaki gồm 10 bộ kimono như những tác phẩm nghệ thuật phản chiếu vẻ đẹp thiên nhiên và những sắc màu đặc trưng của xứ Phù Tang. Bộ sưu tập phô diễn kỹ thuật nhuộm vẽ và thêu tay truyền thống độc đáo, lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Nhật Bản với các họa tiết sóng nước, chim hạc và vẻ đẹp các loại hoa theo mùa khoe sắc như hoa cúc, hoa anh đào…
Bộ sưu tập kimono "Bốn mùa Nhật Bản". |
Bộ sưu tập “Việt Nam gấm hoa” của nhà thiết kế Lan Vy gồm 10 bộ áo dài trên nền vải gấm và lụa với các họa tiết hoa văn vẽ thủ công bởi bàn tay tài hoa của các họa sĩ Việt Nam.
Những thiết kế được lấy cảm hứng từ câu chuyện văn hóa truyền thống nước Việt, những linh vật linh thiêng như long phi phượng vũ trong truyền thuyết xưa và hình ảnh trống đồng một thời vàng son. Bên cạnh đó, hình ảnh hoa sen - thường được coi như quốc hoa Việt Nam, cũng được khai thác một cách mềm mại.
Các người mẫu trình diễn song song áo dài và kimono, tượng trưng cho truyền thống đồng hành và gắn bó chặt chẽ của Việt Nam và Nhật Bản. |
Phần giao lưu đặc biệt cùng hai nhà thiết kế cũng đầy thú vị và giàu cảm xúc với cảm hứng trong sáng tác và hành trình tôn vinh những giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bà Junko Sophia Kakizaki được biết đến là một người tích cực quảng bá của văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài, như trà đạo, cắm hoa, và đặc biệt là kimono. Nữ chuyên gia đã đi đến 55 quốc gia khắp thế giới để trình diễn, thuyết trình về văn hóa Nhật Bản.
Tại sự kiện, bà Junko giới thiệu với khách tham quan bộ kimono kỷ vật của gia đình, là món quà dành cho nghi lễ trưởng thành tuổi 20 mà bà được chính bà ngoại và mẹ mình chuyển giao. Đối với phụ nữ Nhật, đó là một dấu mốc vô cùng quan trọng của cuộc đời, và bộ kimono được quan niệm sẽ càng đẹp hơn khi trải qua ít nhất 3 thế hệ. Còn đối với nhà thiết kế Lan Vy, người sinh ra và lớn lên ở Cố đô Huế, bà đã sáng lập và thực hiện “Áo Dài Show” – một chương trình nghệ thuật và quảng bá văn hóa được đông đảo người xem trong nước và quốc tế yêu thích.
Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận bộ kinomo được bà Junko Sophia Kakizaki (người mặc kimono màu xám) trao tặng. |
Trong khuôn khổ sự kiện còn có lễ tiếp nhận trang phục kimono Nhật Bản do chuyên gia Junko Sophia Kakizaki trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật phong phú và đa sắc màu văn hóa phục vụ khách tham quan Bảo tàng.