Duy trì sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại từ cuối tháng 4 đã tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn có tỷ trọng đóng góp lớn trong sản xuất công nghiệp.

Công nhân Công ty Newwing Interconect Technology Bắc Giang trở lại làm việc sau dịch.
Công nhân Công ty Newwing Interconect Technology Bắc Giang trở lại làm việc sau dịch.

Tại một số vùng trọng điểm công nghiệp như: Bắc Giang, Bắc Ninh,… dịch tấn công cả vào các khu công nghiệp, nơi tập trung lượng lớn doanh nghiệp (DN), trong đó nhiều DN nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu khiến hoạt động sản xuất bị ngừng trệ, ảnh hưởng mạnh tới các chuỗi cung ứng. Có thời điểm, hàng trăm DN ở Bắc Giang phải ngừng hoạt động cùng gần 200 nghìn người lao động tạm mất việc làm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, lan ra nhiều đô thị công nghiệp lớn như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai…, khiến các địa phương này buộc phải thực hiện cách ly xã hội. Sản xuất đình trệ lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe DN, đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người lao động cũng như mục tiêu phát triển kinh tế đất nước. Không ít DN đã nhận đơn hàng tới hết quý III và quý IV, do đó nếu không kịp giao hàng, DN chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, Chính phủ và các bộ, ngành đã liên tục làm việc cùng 63 tỉnh/thành phố, nhất là các địa phương có dịch để chỉ đạo việc quán triệt nghiêm công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; đồng thời chủ động đánh giá mức độ lây lan, cập nhật bản đồ an toàn, sống chung với dịch bệnh để có phương án sản xuất phù hợp. Từng cơ sở công nghiệp cũng phải tự đánh giá sự an toàn và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, không để ngưng trệ sản xuất. Từ đó, chủ trương “khoanh vùng hẹp” cũng như các giải pháp “sản xuất an toàn” đã được các địa phương thực hiện đồng bộ, giúp hoạt động sản xuất được duy trì, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Như ở Bắc Giang, dù dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng chỉ đến cuối tháng 5 đã có những DN đầu tiên mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất theo quy trình an toàn mới. Còn đến nay, trên toàn tỉnh đã có gần 300 DN với khoảng 75 nghìn lao động mở lại sản xuất sau khi dịch cơ bản được khống chế. Nhìn rộng hơn trên mặt bằng cả nước, sản xuất công nghiệp cơ bản khắc phục tốt các khó khăn từ dịch bệnh để duy trì mức tăng trưởng khả quan. Sáu tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,3% so cùng kỳ; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng tới 11,6%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Các chuyên gia khuyến nghị, các DN cần quán triệt chủ trương “sống chung với dịch để duy trì sản xuất”, nên áp dụng chuỗi an toàn từ nơi lưu trú - vận chuyển công nhân - môi trường sản xuất an toàn. Có thể bố trí 20-30% người lao động trong khu lưu trú tập trung đã được triển khai các biện pháp an toàn chống dịch. Bên cạnh đó, cần thành lập các “Tổ an toàn Covid-19” có trách nhiệm thường xuyên giám sát thực hiện biện pháp phòng, chống dịch ngay tại phân xưởng.

Các DN cũng có thể tính phương án giảm công suất để vừa bảo đảm thực hiện cách ly, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất an toàn. Cùng với đó, các địa phương, cần quán triệt và triển khai tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, góp phần giữ vững và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất để bảo vệ huyết mạch của nền kinh tế.