Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza): Trước dịch bệnh, tổng số người lao động làm việc trong các KCX - KCN là 288.000. Sản xuất "ba tại chỗ” khi dịch bệnh bùng phát, thành phố chỉ có 720 doanh nghiệp thực hiện sản xuất mô hình này với 64.000 người lao động tham gia. Sau thời gian, các doanh nghiệp sản xuất "ba tại chỗ" hay "một điểm đến hai cung đường" bắt đầu gặp khó khăn vì các chi phí bỏ ra quá lớn, có doanh nghiệp đã ngừng sản xuất. Tất cả các doanh nghiệp đang muốn mở của hoạt động nhưng gặp khó khăn về nguồn cung lao động và nguồn cung nguyên vật liệu do đứt gãy nguồn cung ứng.
Thống kê của Hepza cho thấy, có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX - KCN của TP Hồ Chí Minh đã về quê, trong đó chủ yếu là những người lao động trở về quê ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An,... Như vậy, với đặc thù các tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, số lao động này nhiều khả năng quay lại làm việc nên đây là tín hiệu khả quan.
Thông tin thực tế về nguồn lực lao động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lãnh đạo một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Công nhân một phần về quê tránh dịch, một phần phải tạm nghỉ giãn cách ở nhà theo quy định, trong đó một số công nhân bị tác động tiêu cực dẫn đến phát sinh tâm lý lo lắng nên gần đây lại chuyển hướng xin nghỉ việc hẳn về quê. Tình trạng này đã dẫn đến nguồn cung lao động càng thiếu hụt, trong khi thành phố đã cho mở cửa sản xuất trở lại sau ngày 1/10 nên doanh nghiệp càng lo ngại hơn. Song cũng có doanh nghiệp cho rằng, chính sự quan tâm, động viên và chăm lo kịp thời đối với người lao động tham gia sản xuất “ba tại chỗ”, người lao động là F0 đã giữ chân công nhân lao động, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, thị trường lao động rất ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã có 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía nam chịu ảnh hưởng khi áp dụng Chỉ thị 16. Trong số này, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ba tại chỗ. Các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… đã nỗ lực bảo đảm tiền lương tối thiểu cho người lao động để giữ chân họ. Do đó, để bảo đảm điều kiện sản xuất trở lại, thực hiện mục tiêu kép, sắp tới phải tiếp tục tiêm vaccine để sản xuất an toàn, thu hút lao động; cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.
"Đối với doanh nghiệp, cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Thực hiện giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. Chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân người lao động”, ông Hồi nhấn mạnh.