Tại một số thành phố ở Thái Lan, Indonesia và Philippines, nhà nước đang chú trọng đầu tư vào một loại nhựa đường mới mang tính cách mạng, giúp tái chế hàng tấn rác thải nhựa.
Từ nay trở đi, mỗi tháng có vài km đường nhựa mới sẽ được đưa vào sử dụng trong khu vực. Thí dụ, một đoạn đường chứa nhựa tái chế đã được thông xe vào mùa hè năm nay. Đoạn đường nằm gần bãi biển xinh đẹp Jimbaran, trên đảo Bali của Indonesia, được du khách nước ngoài rất yêu thích.
Rác thải nhựa được làm sạch, nghiền nát và đun nóng khoảng 170 độ tạo thành một loại bột nhão, sau đó chúng được trộn với nhựa đường, kết quả mang lại một lớp phủ rất chắc chắn, ổn định và có khả năng chống chịu rất cao. Lớp phủ đặc biệt này bao gồm nền nhựa đường cổ điển, chủ yếu là cát, sỏi và bitum-một hỗn hợp nhớt có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Tại Thái Lan và Indonesia, các kỹ sư ước tính lớp phủ mới chứa trung bình 6% nhựa. Như vậy, trên mỗi km đường được xây dựng có thể chứa hai tấn rác thải nhựa.
Tuy lớp phủ này có giá thành nhỉnh hơn một chút so với nhựa đường thông thường nhưng lợi ích nó mang lại là bảo vệ môi trường sinh thái. Trên thực tế, chính quyền các nước bị ô nhiễm do rác thải nhựa đều quan tâm và thúc đẩy các dự án này.
Indonesia mỗi năm có ba triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chúng bị vứt vào các bãi chôn lấp hoặc thải ra ngoài thiên nhiên. Do đó, mỗi năm có 1,3 triệu tấn nhựa thải ra biển.
Năm 2019, tại Khu công nghiệp DEEP C II, thuộc quận Hải An, thành phố Hải Phòng, đã chính thức thông xe đoạn đường giao thông đầu tiên tại Việt Nam được làm từ phế liệu nhựa, rác thải nhựa .