Đừng im lặng khi bị quấy rối tình dục

NDO -

NDĐT - Hành vi vi phạm pháp luật nhắm đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái đã để lại những hậu họa rất nặng nề về tâm lý, thể chất đối với các nạn nhân. Các cơ quan chức năng đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này. Những người có thể trở thành nạn nhân làm gì để phòng, chống khi đối mặt?

TP Hồ Chí Minh sử dụng xe buýt màu vàng đặc trung để tuyên truyền về QRTD nơi công cộng.
TP Hồ Chí Minh sử dụng xe buýt màu vàng đặc trung để tuyên truyền về QRTD nơi công cộng.

Cần chế tài cụ thể

Bạn Thu Dung, sinh viên một trường đại học (quận 1, TP Hồ Chí Minh) phản ánh với phóng viên Nhân Dân điện tử, chúng em đã từng thấy một đối tượng là nam khi gặp các sinh viên nữ thường “khoe” những bộ phận nhạy cảm trước mặt các nữ sinh viên. Dù nhiều lần chúng em đã bỏ đi nơi khác nhưng hôm sau, hành vi của người này lại tiếp tục lặp lại khiến em không khỏi lo lắng. Tương tự, chị N.T.M., nhân viên văn phòng một công ty ở quận 3, TP Hồ Chí Minh cho hay: Nơi chị làm việc, một số đồng nghiệp nam thường “buông” những lời nói khiếm nhã về tình dục. Dù chị M. không phản ánh với quản lý của công ty nhưng trong lòng lại rất bức xúc, nhiều lần góp ý thẳng thắn nhưng nhiều người cho đó là lời trêu đùa nên hành vi vẫn tiếp tục diễn ra…

Đó là một trong số rất nhiều trường hợp chúng tôi được nghe phản ánh. Nỗi lo lắng không biết tỏ cùng ai để rồi rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sinh hoạt đời thường và công việc. Đáng nói, khái niệm về quấy rối tình dục (QRTD) nơi công cộng được nhiều người nhắc đến và được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet. Thế nhưng, thực trạng này lại chưa được xử lý quyết liệt mà một phần lỗi thuộc về các nạn nhân.

Theo Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam phối hợp công bố, các hình thức QRTD bao gồm: quấy rối thể chất (cố tình đụng chạm…); quấy rối lời nói (nhận xét không phù hợp, có ngụ ý về tình dục); quấy rối phi lời nói (nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm)… Các nạn nhân bị QRTD do chưa có nhiều thông tin về QRTD, họ chọn cách im lặng vì sợ hãi, lo lắng thay vì lên tiếng để bảo vệ bản thân.

Bộ luật Hình sự 2015 coi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em… là những hành vi tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và gắn với những chế tài xử phạt nghiêm khắc nhưng đối với hành vi QRTD lại chưa có những chế tài cụ thể để có thể răn đe, xử phạt đối với từng trường hợp cụ thể. QRTD thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, những hành vi đơn giản như: chớp mắt, đụng chạm,… thường khó có thể chứng minh thương tổn rõ ràng về sức khỏe, tinh thần dù nó sẽ để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý. Thế nhưng những hành vi như vậy lại chưa được quy định mức xử lý cụ thể dù trên thực tế, nó là những hành vi QRTD.

Tăng cường tuyên truyền

Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới thành phố, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Sơn cho biết: Thực tế, chúng ra không dễ dàng đạt được mục tiêu nếu chưa bảo đảm nguồn lực về quyền con người, về pháp lý đủ mạnh bảo đảm đầy đủ sự cam kết, trách nhiệm và cùng chung tay hành động vì bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Vì mục tiêu đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND, trong đó, lấy “Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái” làm trọng tâm, hướng đến từng bước đạt được mục tiêu TP Hồ Chí Minh có môi trường sống, học tập, làm việc và không gian sinh hoạt công cộng thân thiện, an toàn cho người dân, không lo sợ các hình thức bạo lực trên cơ sở giới; đặc biệt là QRTD và bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em ở nơi công cộng.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần tiếp tục xây dựng những chính sách để cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em, trong đó, mục tiêu cao nhất chính là thay đổi về nhận thức đối với người dân, trong đó có nam giới về những hệ lụy của QRTD. Mới đây, để tuyên truyền, phòng, chống hành vi QRTD nơi công cộng, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng 26 xe buýt tuyến số 53 (lộ trình từ Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) và trên một số nhà chờ xe buýt, thể hiện thông điệp truyền thông ý nghĩa đến nam giới và cộng đồng xã hội; UBND quận 1, quận 10 ra mắt năm Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới” là những động thái tích cực để hướng tới mục tiêu giảm thiểu và chấm dứt nạn QRTD nơi công cộng. Để các chương trình hiệu quả hơn, việc lên tiếng, phản ánh với các cơ quan chức năng từ các nạn nhân bị QRTD cũng là một biện pháp để chấm dứt hành vi vi phạm phát luật nghiêm trọng này.

Theo ông Trần Ngọc Sơn, để đạt được mục tiêu, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách để cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em, trong đó quan trọng nhất là thay đổi về nhận thức của mọi người. Dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn bó hẹp mình trong những định kiến về giới thì QRTD, bạo lực sẽ còn tồn tại trong đời sống xã hội, trong gia đình và tại nơi làm việc.