Đùn đẩy trách nhiệm quản lý khi để 17 ha đất rừng bị tàn phá

NDO -

17 ha đất rừng tại thôn 3, xã Ia Dal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum bị người dân địa phương, đa số là công nhân Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy, chặt phá, đốt để làm nương rẫy. Sự việc đã diễn ra trong thời gian dài nhưng đến nay, diện tích rừng bị phá vẫn chưa xác định được đơn vị quản lý thật sự.

Những quả đồi trọc, trơ trọi cây tại vị trí 17ha đất rừng bị tàn phá.
Những quả đồi trọc, trơ trọi cây tại vị trí 17ha đất rừng bị tàn phá.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận được sự tàn phá kinh hoàng đối với diện tích 17 ha rừng tại thôn 3, xã Ia Dal. Những quả đồi có cây từ nhỏ đến lớn bị chặt hạ đến trơ trọc, còn lại chỉ là những thân, lá cháy xém. Nhiều loại cây to hai người ôm không xuể còn ngổn ngang. Sót lại quanh đấy là những vị trí mùn cưa còn tươi, dấu vết của việc cưa xẻ gỗ ngay tại chỗ. Không thể đếm hết những gốc cây cổ thụ to lớn, bị cưa, chặt, cháy đen nham nhở. Chung quanh những cây gỗ to đã bị đốn hạ còn sót lại là những cây sắn đang lên lún phún, điều mọc được hơn gang tay...

Vị trí 17 ha đất rừng, hiện giờ là những đồi trọc, nằm sát ngay vị trí dân cư sinh sống. Dưới chân đồi là 53 hộ dân, đa số là công nhân của các công ty đóng chân trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Dal Trịnh Quốc Hoàn cho biết: Diện tích đất rừng bị phá nằm tại tiểu khu 726, thuộc Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý. Số hộ dân phá, lấn chiếm đất rừng chủ yếu là các hộ dân mới vào định cư. Bước đầu điều tra, chính quyền phát hiện có 11 hộ dân tham gia phá rừng, tất cả đều ở thôn 3. Ngay khi phát hiện vụ việc, chính quyền xã đã mời các hộ dân lên làm việc và ký cam kết trả lại diện tích này cho địa phương để khoanh nuôi, tái sinh lại rừng.

Đùn đẩy trách nhiệm quản lý 17ha đất rừng bị tàn phá -0
 Những cây cổ thụ bị chặt hạ còn sót lại tại hiện trường.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’Drai Nguyễn Quốc Tuấn, cho biết: Hiện tại, Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Ia Dal, Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện và Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy tiếp tục khám nghiệm hiện trường. Nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ khởi tố và xử lý nghiêm.

Theo số liệu kiểm kê diện tích rừng năm 2014 và diễn biến rừng năm 2020, đơn vị xác định diện tích hơn 17 ha đất rừng bị lấn chiếm thuộc Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý đã chuyển đổi để trồng cao su. Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, đơn vị đã chuẩn bị các phương án để khoanh nuôi, xúc tiến và phục hồi lại rừng.

Tại Điều 1, Quyết định số 1240/QĐ-UBND ngày 11/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thu hồi và cho Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy thuê đất để thực hiện dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp có nêu rõ bàn giao mặt bằng là 1.468 ha diện tích đất rừng tự nhiên sản xuất tại tiểu khu 726 và 733 cho Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy.

Từ lúc được giao đến nay, Công ty đã tiến hành trồng hơn 1.100 ha cây cao su, còn lại hơn 314 ha không trồng cây cao su được hiện bỏ trống. Số diện tích không trồng được cao su trên là đất bờ lô, hợp thủy, ven khe, ven suối, sình lầy, đất bán ngập hiện rất manh mún và phân tán nhiều mảnh tại sáu tiểu khu lâu nay bị công nhân và người dân tận dụng trồng cây nông nghiệp ngắn ngày. Đối với đất không ngập thì trồng xen kẽ điều. Công ty đã có tờ trình trả lại số diện tích trên cho địa phương quản lý.

Đùn đẩy trách nhiệm quản lý 17ha đất rừng bị tàn phá -0
Dấu vết mùn cưa còn mới cho thấy cây mới bị chặt hạ. 

Làm việc với chúng tôi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy Đỗ Thanh Nam cho biết, doanh nghiệp có thuê tiểu khu 726 để trồng cao su, thế nhưng diện tích đất rừng bị phá không thuộc sự quản lý của Công ty?

"Diện tích 17 ha đất rừng bị phá nằm ngoài diện tích của công ty được giao, không phải đất của công ty quản lý. Nói diện tích này giao cho công ty thì tôi nghĩ là do nhầm lẫn. Tỉnh chuyển giao tiểu khu 726 cho công ty nhưng không phải là tất cả, diện tích 17 ha trên nằm trong diện tích không chuyển đổi rừng, không giao cho công ty. Công ty không biết ai quản lý diện tích 17 ha trên", ông Đỗ Thanh Nam khẳng định.

Trước tình trạng đất rừng bị xâm lấn nghiêm trọng, chính quyền huyện Ia H’Drai đã chỉ đạo xã Ia Dal thành lập tổ công tác thường xuyên quản lý, không để người dân khai thác, sản xuất tại vị trí rừng bị phá; lập danh sách các hộ tham gia lấn chiếm rừng; khoanh vùng khu vực diện tích rừng bị phá để phục hồi lại rừng.

Hiện tại, huyện Ia H'Drai cũng đã chuẩn bị khoảng 3 vạn cây giống là keo lai để trồng lại ngay trong mùa mưa này nhằm phục hồi lại rừng.