Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu lên một số nhóm giải pháp tiêu biểu như xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh, đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai thành công mô hình giáo dục song ngữ, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Các quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu, làm việc và hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. |
“Để triển khai thực hiện thành công mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở Việt Nam, chúng ta cần có sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng với sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và toàn xã hội”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.
Hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất về mô hình triển khai các khung chương trình giảng dạy và các giải pháp kiểm tra, đánh giá dựa trên việc phân tầng ba cấp độ triển khai bao gồm: cấp độ triển khai giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai một cách toàn diện; giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở mức độ tiêu chuẩn; cấp độ thấp nhất là bắt đầu từng bước triển khai thực hiện.
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều mô hình tiên phong trong giáo dục
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều chương trình, đề án mang tính đột phá như chương trình tăng cường tiếng Anh; chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” thuộc Đề án 5695; mô hình trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại Thành phố Hồ Chí Minh…
Kết quả khả quan của Đề án 5695 là điểm sáng cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể bắt đầu triển khai thực hiện đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo cấp độ cao nhất của mô hình trên (triển khai một cách toàn diện) ở một số trường.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. |
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành một đề án mang tầm quốc gia về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Trong đó, có các giải pháp về nguồn lực, cơ chế chính sách, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam...
Để thực hiện được điều này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần có sự tham gia của năm trụ cột chính: cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học-chuyên gia, nhà đào tạo (cơ sở giáo dục), nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế để thực hiện đề án mang tính quốc gia này.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Thưởng, đến năm 2025 có thể xây dựng xong đề án và xác định rõ lộ trình, cũng như các giải pháp thực hiện. Kinh nghiệm thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án 5695 cho thấy, cần có một chiến lược, một kế hoạch cụ thể…