Năm học 2023-2024, trên địa bàn thành phố có gần 2.300 cơ sở giáo dục; trong đó, có khoảng 1.360 cơ sở công lập và 938 cơ sở ngoài công lập. Toàn thành phố, bậc tiểu học có quy mô học sinh lớn nhất với 632.698 học sinh, trung học cơ sở 483.372 học sinh. Hai bậc mầm non và trung học cơ sở lần lượt có 315.140 học sinh và gần 252 nghìn học sinh. Ngoài ra, thành phố còn có hơn 30 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên với 43 nghìn học viên đang theo học. Mỗi năm, bình quân thành phố có số học sinh tăng thêm ở các cấp học khoảng 25.000 học sinh. Đây là áp lực không nhỏ đối với cơ sở trường lớp mỗi khi năm học mới bắt đầu và dẫn đến số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn quy định, nhất là bậc tiểu học.
Những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đưa ra nhiều giải pháp, mô hình tiến bộ, hiệu quả như mô hình lớp học thông minh, lớp học số, triển khai Đề án 5695 “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường công lập... Đây là một trong những cơ sở quan trọng để ngành nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2023-2024, thành phố đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Cụ thể, đội tuyển học sinh giỏi Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hai trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, vượt 10 bậc so với kết quả năm học 2022-2023. Đặc biệt, hai học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đoạt giải nhì cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc tế tại Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên học sinh của thành phố đoạt giải cao nhất sau 12 năm tham gia sân chơi quốc tế này. Tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu trung bình môn Tiếng Anh so với cả nước. Đây là năm thứ 8 liên tiếp địa phương này dẫn đầu điểm thi môn Tiếng Anh tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những kết quả ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong năm học 2023-2024. Đồng thời, nhấn mạnh đến toàn ngành đã phát huy được những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành phải đối mặt với nhiều thách thức như sĩ số học sinh/lớp đông, học sinh tăng cơ học cao... Điều này, tạo ra áp lực trong công tác quản lý và điều hành trong thực hiện nhiệm vụ.
Năm học 2024-2025, bên cạnh những thuận lợi, ngành giáo dục và đào tạo thành phố vẫn còn có những khó khăn nhất định, như hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới, tình hình nhân sự giảng dạy vẫn có nơi chưa bảo đảm thật tốt, đòi hỏi ngành cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho năm học mới. Dự kiến, năm học 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học công lập mới, bảo đảm 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được của năm học trước và tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế. Trong đó, chú trọng đến đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành, thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh, hoàn tất lộ trình đổi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 của bậc học phổ thông. Đặc biệt, ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành để một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, mặt khác phải chú trọng đáp ứng nhu cầu phát triển của người học theo năng lực bản thân, những học sinh có năng khiếu được phát triển tài năng.
Đánh giá cao những nỗ lực, cũng như sự kiên định, mạnh dạn đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị trong năm học 2024-2025, ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030” năm 2024. Triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện theo lộ trình, bảo đảm hoàn thành các chương trình, đề án đột phá của thành phố về giáo dục; thực hiện có hiệu quả đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng Tiếng Anh cho học sinh; Chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”… Năm học 2024-2025 cũng là năm đầu cả nước tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ngành giáo dục và đào tạo cần chuẩn bị phương án hướng dẫn học sinh học tập và tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình của thành phố. Tổ chức tốt các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học và các kỳ thi khác của thành phố để tạo sân chơi cho học sinh rèn luyện, phát huy tư duy, năng lực, năng khiếu và sức sáng tạo...■