Sự kiện lần này được tổ chức trong thời gian 5 ngày, từ ngày 31/8 đến ngày 4/9 (trùng vào dịp nghỉ lễ quốc khánh 2/9) với hơn 100 gian hàng của hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hơn 1.000 sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh miền núi phía bắc và 6 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, các sản phẩm OCOP của thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đó là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các doanh nghiệp và người dân.
Ký kết hợp tác giữa Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội với TikTok Việt Nam. |
Với mục tiêu tăng cường chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, tại chương trình khai mạc, Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội đã ký kết, hợp tác với TikTok Việt Nam. Theo đó, TikTok sẽ tổ chức các buổi hướng dẫn về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business và bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên, TikTok cũng sẽ hỗ trợ Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội xây dựng các chương trình truyền thông quảng bá cho chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP trên TikTok; đồng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về tạo video ngắn để quảng bá sản phẩm OCOP....
Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam cho biết, TikTok luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, đồng thời tin tưởng rằng, với chuyên môn và thế mạnh về các giải pháp sáng tạo đa dạng trên nền tảng, TikTok sẽ cùng HNSRPC xây dựng nền tảng số vững chắc cho Chương trình OCOP, bắt đầu từ việc nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho các cá nhân và tổ chức trực thuộc.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: “Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường quá trình chuyển đổi số, cũng như đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong những hoạt động truyền thông, phát triển và hội nhập dành cho sản phẩm OCOP. Thông qua hợp tác với TikTok, chúng tôi đặt mục tiêu giúp các chủ thể OCOP nâng cao kiến thức, có khả năng ứng dụng công nghệ và các giải pháp tiếp thị sáng tạo vào quá trình tiêu thụ sản phẩm”.
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng lớn nhất toàn quốc, trong đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Có hơn 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 Sản phẩm) trong đó có sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.