Đưa sản phẩm cây vụ đông ra thế giới

Từ nhiều năm nay, vụ đông được xác định là vụ chính ở Hải Dương, vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo người dân đưa nhiều loại cây trồng vào sản xuất. Đặc biệt, một số sản phẩm cây vụ đông đang được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới mang lại giá trị thu nhập cao cho người nông dân…
0:00 / 0:00
0:00
Sơ chế cà-rốt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, Cẩm Giàng, Hải Dương. Ảnh: Quốc Vinh
Sơ chế cà-rốt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, Cẩm Giàng, Hải Dương. Ảnh: Quốc Vinh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, vụ đông năm 2021-2022, trên địa bàn gieo trồng khoảng 22,3 nghìn ha cây rau màu các loại. Qua đánh giá, năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng hoặc tương đương vụ đông năm trước, nhất là các cây trồng chủ lực như: hành, tỏi củ, cà rốt, bắp cải, cà chua...

Lợi nhuận thu được từ trồng bắp cải từ 10 đến 12 triệu đồng/sào, su hào từ 6 đến 8 triệu đồng/sào, súp lơ từ 7 đến 9 triệu đồng/sào, cà rốt từ 8 đến 13 triệu đồng/sào, hành tỏi 8 đến 12 triệu đồng/sào, cà chua 20 đến 25 triệu đồng/sào. Giá trị sản xuất cây vụ đông tính theo giá thực tế đạt 4.690 tỷ đồng, thu nhập đạt từ 170 đến 700 triệu đồng/ha. Trong vụ đông này, cơ cấu cây trồng tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau màu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ.

Các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được duy trì và mở rộng như: vùng trồng hành, tỏi tại thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách; bắp cải, su hào, súp lơ ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành; cà rốt tại Cẩm Giàng, Nam Sách, thành phố Chí Linh, thành phố Hải Dương; khoai tây tại Thanh Miện, Ninh Giang. Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật thâm canh tiếp tục được ứng dụng, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất như: cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất khoai tây hay mở rộng diện tích sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết, “Vụ đông năm 2022-2023, toàn tỉnh gieo trồng hơn 22 nghìn ha. Qua đánh giá sơ bộ, năng suất cây trồng trong vụ đông năm nay đều tăng so với vụ đông trước, nhất là cây trồng chủ lực như hành, tỏi, cà rốt, khoai tây… Theo thống kê, giá trị sản xuất tính theo giá trị thực tế đạt hơn 4.700 tỷ đồng, bình quân thu nhập đạt 216 triệu đồng/ha, gấp 3 lần trồng lúa”.

Để đạt được kết quả đó là do hầu hết các địa phương đều xác định vụ đông là vụ chính nên chủ động sản xuất theo hướng hàng hóa với các sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể từ đầu vụ để hỗ trợ sản xuất.

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng chủ động hỗ trợ nhân dân tìm kiếm đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông; diện tích ứng dụng công nghệ cao, trồng rau, dưa trong nhà kính, nhà lưới tăng nhanh; nhận thức của bà con nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được nâng lên, một số loại cây trồng đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch.

Đưa sản phẩm cây vụ đông ra thế giới ảnh 1

Sơ chế cà-rốt. Ảnh: Quốc Vinh

Điểm sáng trong sản xuất vụ đông ở Hải Dương những năm qua chính là xuất khẩu một số sản phẩm mà cà rốt và bắp cải là những điển hình. Chúng tôi về xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, nơi được coi là “thủ phủ” trồng cà rốt tại Hải Dương, khi đang bước vào vụ thu hoạch. Trên những cánh đồng, con đường tràn ngập sắc đỏ cà rốt. Tại các cơ sở chế biến, công nhân đang tất bật phân loại, lựa chọn cà rốt để đóng gói sản phẩm xuất khẩu.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng Nguyễn Đức Thuật chia sẻ: “Xã Đức Chính có truyền thống trồng cà rốt hơn 40 năm. Cách đây 10 năm, cà rốt của xã đã vươn ra thị trường nước ngoài, nhất là 5 đến 6 năm trở lại đây khi lượng xuất khẩu ngày càng tăng và thị trường được mở rộng, vì thế đã nâng cao được giá trị. Hiện nay, xã có 360ha trồng cà rốt với sản lượng 13 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn còn đi các địa phương khác thuê, mượn đất trồng hơn 1.000ha với sản lượng hơn 40 nghìn tấn/năm.

Thị trường tiêu thụ với 70% được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… còn lại tiêu thụ trong nước. Từ trồng cây cà rốt trong vụ đông, nhiều hộ có thu nhập từ 280 đến 300 triệu đồng”. Ngoài cây cà rốt, cây bắp cải cũng đang là thế mạnh. Theo thống kê, diện tích trồng bắp cải hằng năm của tỉnh đạt khoảng 2.500ha, chủ yếu sản xuất trong vụ đông với năng suất trung bình từ 480 đến 490 tạ/ha, sản lượng 120 đến 130 nghìn tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các địa phương lân cận và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, miền trung khoảng 90%, còn lại 10% được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Malaysia…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết, “Các năm gần đây, diện tích cà rốt trồng trên địa bàn đạt khoảng 1.500ha, riêng vụ đông đạt gần 1.300ha, năng suất dao động từ 480 đến 500 tạ/ha, sản lượng 72 đến 73 nghìn tấn/năm. Hiện nay, diện tích cà rốt chuyên canh tập trung, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tưới nước bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn khoảng 1.000ha.

Trong đó, sản phẩm cà rốt sản xuất theo quy trình VietGAP 300ha. Sản lượng cà rốt chủ yếu được thu mua, vận chuyển về các công ty, doanh nghiệp tại huyện Cẩm Giàng để sơ chế, bảo quản và chế biến tiêu thụ. Khoảng 20% lượng cà rốt được tiêu thụ trong nước, 80% được xuất khẩu sang các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, EU, Trung Đông…”.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, nhằm bảo đảm cây cà rốt đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khuyến cáo nhân dân sản xuất theo hướng an toàn, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; thường xuyên tập huấn cho nhân dân quy trình kỹ thuật VietGAP, cấp mã số vùng trồng và kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp thu mua, phân loại, đóng gói cần bảo đảm chất lượng sản phẩm để từng bước gia tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường đã có và mở rộng đến các thị trường khác trên thế giới.