Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sự cần thiết phải cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành, địa phương đã ký kết quy chế phối hợp, qua đó đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các hội nghị tuyên truyền theo chiến dịch, chủ đề, đối thoại trực tiếp, gửi tin nhắn vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện qua điện thoại, tuyên truyền trực tuyến trên mạng xã hội, qua ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số.
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình Phạm Thanh Tùng, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 28 cho thấy, nhận thức, trách nhiệm, sự chủ động trong công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, địa phương với ngành bảo hiểm xã hội trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có sự chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đẩy mạnh, tạo sự hiểu biết sâu rộng cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Công tác quản lý đối tượng tham gia, quản lý hồ sơ và cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy định. Hiện nay, toàn bộ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã được cấp mã số bảo hiểm xã hội duy nhất không thay đổi trong suốt cuộc đời. Hồ sơ quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được nhập dữ liệu, lưu trữ vào phần mềm theo dõi, quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm thuận lợi cho việc tra cứu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kịp thời. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm sau tăng hơn năm trước, đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nổi bật nhất là công tác cải cách hành chính đã có bước tiến vượt bậc, mang lại tiện ích, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân và doanh nghiệp. Giai đoạn 2018-2023, ngành bảo hiểm xã hội cắt giảm 2 thủ tục hành chính, giảm 21,42% biểu mẫu, 39,2% tiêu thức, 8,11% quy trình, thao tác thực hiện. Đặc biệt, để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng năng suất lao động để giảm hơn 10% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định.
Từ năm 2020, Bảo hiểm xã hội Quảng Bình triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số trên thiết bị di động với nhiều tiện ích hiện đại, giúp người dân theo dõi quá trình tham gia, đóng, thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Năm 2022, triển khai Đề án 06 của Chính phủ, có hơn 94% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn tỉnh được tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế vào dữ liệu căn cước công dân; có thể sử dụng căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế giấy đi khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, hiện nay, Quảng Bình đang triển khai thí điểm phương pháp nhân trắc sinh học sử dụng vân tay khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tại 2 bệnh viện thí điểm, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã lắp đặt mô hình “cây máy tự động” người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh sử dụng vân tay đặt bên ngoài quầy tiếp đón. “Cây máy tự động” tích hợp 3 loại máy (máy tính, máy xác thực sinh trắc dấu vân tay, máy in) được cài đặt phần mềm quản lý khám, chữa bệnh kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm y tế thông qua mạng internet.
Khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực bắc Quảng Bình, người dân chủ động đến “cây máy tự động” sử dụng căn cước công dân và vân tay xác thực sinh trắc để thực hiện 3 việc cùng một lúc: Lấy số thứ tự vào khám, chữa bệnh, đăng ký thông tin thẻ bảo hiểm y tế, xác thực chủ thẻ bảo hiểm y tế vào hệ thống phần mềm quản lý của bệnh viện. Sau khi nhận phiếu tiếp đón có số thứ tự, người bệnh đến gặp nhân viên y tế để được phân chuyên khoa khám, chữa bệnh mà không phải làm thêm bất cứ thủ tục nào khác.
Ông Nguyễn Văn Tâm ở thị xã Ba Đồn chia sẻ, ban đầu mới thực hiện thao tác trên máy tính, người cao tuổi như ông còn bỡ ngỡ nhưng sau khi được hướng dẫn thì thấy rất nhiều ích lợi, loại bỏ trường hợp chen ngang, lại giảm thiểu các giấy tờ cho người đi khám bệnh.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Quảng Bình, ngoài phương thức xác thực thông tin qua dấu vân tay, tại mỗi “cây máy tự động” đã được bổ sung thêm phương thức xác thực thông tin bằng nhận diện khuôn mặt. Thời gian tới, đơn vị còn bổ sung “Danh mục tình trạng bệnh tật” trên màn hình máy để người bệnh có thể tự chọn, mô tả tình trạng bệnh tật của mình và máy sẽ tự động chuyển đến phòng khám chuyên khoa theo tình trạng bệnh của mỗi người.
Từ thành công của mô hình thí điểm tại 2 bệnh viện, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ sở y tế phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội đẩy mạnh triển khai cách tiếp đón người dân đăng ký vào khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân tích hợp xác thực sinh trắc; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nâng cấp đường truyền, bố trí đủ nhân lực để tiếp đón người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh. Mặt khác, các bệnh viện phối hợp đơn vị cung cấp phần mềm quản lý khám, chữa bệnh để nâng cấp, bổ sung đầy đủ chức năng tiếp đón người dân khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân tích hợp xác thực sinh trắc nhằm giảm thiểu thời gian xác thực thông tin khi thực hiện.