Đưa nghệ thuật chuyên nghiệp đến gần người dân

Bằng những cơ chế, chính sách riêng, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo sân chơi và không gian mới cho các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tài năng, đam mê nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu sáng tạo của những người lao động nghệ thuật. Các nghệ sĩ, diễn viên có cơ hội hòa mình vào không gian văn hóa nông thôn, công nghiệp, giao lưu văn nghệ với nông dân, công nhân và du khách.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc biểu diễn tại sự kiện của địa phương.
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc biểu diễn tại sự kiện của địa phương.

Ca sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Linh Vân là người thành đạt cả sự nghiệp ca hát và kinh doanh. Với khả năng hát được cả nhạc trẻ, nhạc dân gian đương đại, nhạc thính phòng, cô đã đem về cho Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc nhiều huy chương các loại. Cô cũng mở một nhà hàng và một học viện nghệ thuật tại thành phố Vĩnh Yên.

Tỉnh Vĩnh Phúc triển khai chương trình biểu diễn phục vụ người dân ở nông thôn, miền núi và khu công nghiệp từ năm 2021.

Linh Vân ưu tiên hàng đầu cho sự nghiệp ca hát, vừa để thỏa mãn đam mê, vừa để tri ân những người đã giúp đỡ cô. Điều khiến ca sĩ gắn bó với Nhà hát là các giá trị vô hình như môi trường cống hiến, phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Linh Vân tâm sự: “Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, xã hội bị xáo trộn thì nghệ sĩ chúng tôi vẫn được luyện tập, biểu diễn, ghi hình, vẫn được đem lời ca tiếng hát đến với nhân dân qua đài truyền hình, vẫn có thu nhập và cuộc sống được bảo đảm”.

Linh Vân đã có ba chuyến lưu diễn phục vụ bộ đội tại Trường Sa và được đặt chân đến tất cả các đảo thuộc quần đảo. Nhưng chuyến lưu diễn khiến cô nhớ mãi là lần biểu diễn kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ ở một xã. Trời mưa to nhưng khán giả ở lại cổ vũ đến hết chương trình.

Cô tâm sự: “Về với bà con nông dân, sân khấu thường rất đơn giản, khi là bậc thềm công sở, lúc là nhà văn hóa thôn, nhưng luôn chật kín khán giả. Vừa thấy nghệ sĩ xuất hiện, người dân chào đón nồng nhiệt. Cảm xúc ấm áp khi lưu diễn ở khu vực miền núi thật khó tả!”.

Đưa nghệ thuật chuyên nghiệp đến gần người dân ảnh 1

Một tiết mục múa của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc.

Tỉnh Vĩnh Phúc triển khai chương trình biểu diễn phục vụ người dân ở nông thôn, miền núi và khu công nghiệp từ năm 2021. Trước khi về xã, các nghệ sĩ của Nhà hát thường tìm hiểu về văn hóa, phong tục địa phương, loại hình sân khấu mà người dân địa phương ưa chuộng, sau đó phối hợp với địa phương xây dựng kịch bản. Các buổi biểu diễn đan xen hài hòa các tiết mục của người dân địa phương với tiết mục của nghệ sĩ. Có cơ hội thể hiện ở sân chơi chuyên nghiệp cùng các nghệ sĩ, diễn viên, nông dân rất háo hức, chuẩn bị các tiết mục rất công phu và mong chờ ngày lên sân khấu.

Nghệ sĩ chèo Đinh Hạnh, quê ở Thanh Hóa nhưng chọn Vĩnh Phúc làm nơi lập nghiệp. Anh bày tỏ: “Thú vị nhất là các buổi biểu diễn giao lưu với người dân. Người dân khu vực miền núi và đồng bằng rất yêu chèo. Các buổi diễn hát chèo luôn có rất đông khán giả. Do có sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con, cảm hứng biểu diễn của nghệ sĩ càng cao. Tôi mơ ước có thêm nhiều đêm diễn phục vụ nhân dân”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô bày tỏ phấn khởi vì những thành công bước đầu của việc đưa nghệ thuật chuyên nghiệp về với nông thôn: Người dân nông thôn, miền núi rất hào hứng với các đêm diễn. Sân chơi này còn góp phần làm sống lại nghệ thuật truyền thống, sân khấu, các làn điệu dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian đặc trưng của Vĩnh Phúc như hát trống quân Đức Bác, hát soọng cô, hát chèo, hát văn...

Đưa nghệ thuật chuyên nghiệp đến gần người dân ảnh 2

Khán giả đến xem chương trình hát chèo biểu diễn tại xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch.

Nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao các chính sách thiết thực của tỉnh, nhất là Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con ở nông thôn, miền núi và công nhân các khu công nghiệp và Kế hoạch khai thác, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa nhà hát giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đời sống của nghệ sĩ, diễn viên được cải thiện thông qua các kế hoạch này, giúp họ yên tâm cống hiến.

Theo chương trình do tỉnh tài trợ, hằng năm mỗi xã, thị trấn có hai chương trình biểu diễn, gồm các chương trình nghệ thuật truyền thống như vở diễn, trích đoạn, tiểu phẩm, hài kịch, các làn điệu dân ca, các loại hình nghệ thuật tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh; các chương trình ca múa nhạc như nhạc nhẹ, nhạc trữ tình... Ngoài chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, còn có sự tham gia giao lưu của các câu lạc bộ, hạt nhân văn nghệ tại các xã, thị trấn, khu công nghiệp.

Ông Diệp Minh Phú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã miền núi Quang Sơn (huyện Lập Thạch) kể: “Mỗi khi có đoàn nghệ thuật về xã biểu diễn là bà con đến xem rất đông, người già, người trẻ đều rất thích. Chương trình có đan xen tiết mục dân vũ “cây nhà lá vườn” của các thôn - là hoạt động văn nghệ đặc sắc ở miền quê chúng tôi”.

Mỗi tuần một buổi, các nghệ sĩ, diễn viên còn biểu diễn phục vụ nhân dân tại Nhà hát tỉnh, Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc. Dịp cuối tuần, người dân thành phố Vĩnh Yên và du khách được thưởng thức các buổi công diễn, các chương trình ca múa nhạc, vở diễn sân khấu, tiểu phẩm, xem phim miễn phí.

Vĩnh Phúc đang thực hiện chính sách của tỉnh về hỗ trợ và khen thưởng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Hằng tháng, diễn viên được hỗ trợ bằng hai lần mức lương tối thiểu. Người đoạt giải tại các cuộc thi tài năng trẻ, liên hoan, hội diễn được khen thưởng xứng đáng.

Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã chứng minh một mô hình thành công sau khi được sáp nhập từ Nhà hát chèo Vĩnh Phúc và Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc. Các chính sách đặc thù của tỉnh đã tạo thêm đất diễn và tăng thu nhập cho nghệ sĩ, diễn viên. Năm 2023, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã dàn dựng mới 16 chương trình nghệ thuật, thực hiện 265 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân các xã nông thôn, miền núi, khu công nghiệp và du khách.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Duy Dũng cho rằng, Nhà hát trụ được đến nay là nhờ các cơ chế, chính sách phù hợp của tỉnh. Nhà hát đã nỗ lực tìm kiếm nguồn thu để bảo đảm cuộc sống cho gần 100 cán bộ, viên chức, nghệ sĩ, diễn viên. Ông Dũng mong muốn tỉnh bổ sung biên chế, đầu tư hệ thống trang thiết bị, âm thanh ánh sáng đồng bộ để phục vụ lưu diễn. Vì muốn giữ được người giỏi thì phải tạo được môi trường chuyên nghiệp nhất.