Đưa dòng vốn chính sách đến với vùng cao, biên giới

Thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) liên tục được chuyển đến người dân nơi địa đầu Tổ quốc, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, bám đất, bám rừng.
Lãnh đạo NHCSXH kiểm tra thông tin tín dụng chính sách tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Lãnh đạo NHCSXH kiểm tra thông tin tín dụng chính sách tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Xây dựng nông thôn mới

Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên Đàm Xuân Triệu chia sẻ, thời gian này, NHCSXH đã dồn vốn giúp xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) hoàn thành tiêu chí giảm hộ nghèo để hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Ký ức về xã “4 không” (đường, điện, trường, trạm) đã được xóa bỏ, Sín Thầu lại tự hào về cái “4 không” khác không phải xã nào trong huyện Mường Nhé cũng thực hiện tốt. Đó là: Xã duy nhất trong huyện không có người nghiện; không có tình trạng phá rừng; không di cư tự do; không tuyên truyền đạo trái phép.

Xã Sín Thầu và cả huyện Mường Nhé cùng được thành lập cách đây 17 năm. Gần 17 năm qua trên mảnh đất này, NHCSXH đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số Hà Nhì ở xã Sín Thầu chuyển đổi từ làm nương sang trồng lúa nước. Rồi những năm gần đây là hướng dòng vốn tín dụng chính sách hòa cùng kế hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc, giúp nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà trở nên giàu có với tài sản cả trăm con trâu, bò.

Đơn cử như bản Tả Kố Khừ, cái nghèo đang dần lùi xa và thay vào đó là hơn 100 căn nhà khang trang, vững chãi lợp ngói, tôn dọc hai bên dòng suối Mo Pí. Gia đình ông Sùng Phì Sinh là một trong những điển hình vay vốn NHCSXH chăn nuôi gia súc thoát nghèo. Từ hai con bò mẹ mua từ nguồn vốn vay NHCSXH, thêm vài vòng quay vay vốn, đàn gia súc tăng dần qua từng năm, đến nay gia đình ông có hơn 200 con trâu, bò; thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Nguồn vốn tín dụng cũng đang “dìu dắt” những hộ cuối cùng của bản thoát nghèo như gia đình anh Giàng Ý Bầu hiện nay đang vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo mua thêm trâu sinh sản. Hay như đầu năm 2017, anh Khoàng Chừ Long vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo mua thêm trâu sinh sản, đến cuối năm 2017 và tháng 5-2018 đã tất toán khoản vay với NHCSXH từ nguồn tiền bán trâu. “Mình hết khổ, trả vốn cho NHCSXH để ngân hàng cho bà con khó khăn hơn vay”, anh Khoàng Chừ Long tâm sự.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng đã trải khắp tất cả các thôn, bản, không chỉ ở Sín Thầu mà cả 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé. Trong 5 năm qua, nguồn vốn đã tạo điều kiện cho hơn 12 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập với tổng doanh số cho vay 348 tỷ đồng. Từ đó, giúp hơn 1.055 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trung bình của huyện hằng năm giảm 5,1%. Tổng dư nợ tính đến ngày 31-10-2019 đạt hơn 235 tỷ đồng, tăng hơn chín tỷ đồng so với cuối năm 2018 và tăng 56,1 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với 6.202 khách hàng còn dư nợ.

Hướng tới giảm nghèo bền vững

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Lê Văn Quý, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách xã hội với dư nợ hơn 2.846 tỷ đồng, hỗ trợ 78.160 khách hàng (chiếm 61,2% số hộ dân), bình quân 36,4 triệu đồng/hộ gia đình. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, với bảy chương trình tín dụng mới được triển khai như: cho vay vốn để hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; thí điểm cho vay đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế,… đã đưa nguồn vốn tín dụng đến với hơn 122 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay 3.834 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3% đến 4%.

“Những con số đó cho thấy tín dụng chính sách xã hội là một nguồn vốn quan trọng đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Nguồn vốn này góp phần ngăn chặn nguy cơ tín dụng đen tìm đến người nghèo và đối tượng yếu thế, duy trì trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, góp phần giúp niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta ngày càng được củng cố và nâng cao”, đồng chí Lê Văn Quý nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bài toán giảm nghèo bền vững vẫn còn là một thách thức lớn với tỉnh Điện Biên khi kinh tế tỉnh vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, tại các vùng sâu, vùng xa sản xuất một vụ trong năm, điều kiện tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Toàn tỉnh hiện có hơn 127 nghìn hộ, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 37,08%, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 9,78%. Mong muốn Chính phủ và NHCSXH có nhiều nguồn vốn hơn hỗ trợ người dân Điện Biên vượt khó, đồng chí Lê Văn Quý cũng cho biết, Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị về việc UBND tỉnh, UBND các huyện hằng năm chuyển khoảng 1% tổng thu ngân sách trên địa bàn sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Về phía NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, các cấp chính quyền và tổ chức hội, đoàn thể cần rà soát lại đối tượng vay và nhu cầu vay. Bởi qua thực tế tại một số xã của tỉnh Điện Biên, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện đều đã tiếp cận vốn vay. Do đó, để tăng dư nợ, việc xác định được nhu cầu vay cũng như đối tượng vay chính xác sẽ là cơ sở cho NHCSXH cung ứng thêm vốn, qua đó tăng mức vay cho các hộ dân, giúp họ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, rút ngắn thời gian thoát nghèo.