Sau khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch, ngoài mục tiêu vực dậy ngành “công nghiệp không khói” sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Nghệ An đã đạt được mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; đồng thời đưa du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn suốt cả bốn mùa.
Đổi mới Cửa Lò
Về với biển Cửa Lò, du khách không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn được đắm mình trong các sự kiện văn hóa, thể thao và các lễ hội. Cùng với cả tỉnh, Cửa Lò xác định phải chú trọng làm mới sản phẩm sẵn có và xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, độc đáo.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Hoàng Văn Phúc cho biết: Để khôi phục hoạt động du lịch trong trạng thái “bình thường mới”, so với các khu du lịch khác, phố biển Cửa Lò đã lên kế hoạch và có những cách làm sáng tạo, mới mẻ để thu hút du khách. Thay vì khai trương mùa du lịch biển vào dịp 30/4 và 1/5 như trước đây, năm nay thị xã Cửa Lò “mở biển” sớm ba tuần so với những năm trước, vào đúng dịp giỗ tổ Hùng Vương. Việc khai trương mùa du lịch sớm hơn thường niên và sớm hơn các địa phương khác đã tạo được sự chú ý của khách du lịch vốn trong quãng thời gian dài phải cách ly phòng, chống dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Duyên, chủ khách sạn Hùng Duyên ở 170 Nguyễn Sư Hồi, chia sẻ: Nhờ có bước khởi động sớm này nên các cơ sở du lịch đã sớm khắc phục được những khiếm khuyết sau hai năm đóng băng do đại dịch, như việc tăng cường nhân lực phục vụ, sửa chữa, nâng cấp phòng nghỉ, phục vụ du khách chu đáo hơn.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước mái nhà tranh quê ngoại của Bác Hồ. (Ản: Huy Thư) |
Sau khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò 2022, du khách lại đắm mình trong một chuỗi các sự kiện kéo dài trong suốt cả tháng 4, với các chương trình Lễ hội Âm nhạc đường phố và ẩm thực đêm; Lễ hội Cầu Ngư; Chương trình nghệ thuật về miền ví, giặm; Hội thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch; Hội thi đầu bếp giỏi thị xã; Hội chợ giới thiệu các sản phẩm OCOP; Chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng Got Talent…
Một nét mới nữa, thị xã Cửa Lò đã tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và các lễ hội xuyên suốt cả năm; hầu như tháng nào cũng tổ chức một vài sự kiện tạo ấn tượng, độc đáo để thu hút khách. Đặc biệt trong tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Cửa Lò tổ chức các sự kiện như lễ hội cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ và ngày hội Hoa đăng trên sông Lam; Hội thi cắm trại và hội thi tiếng hát Hoa phượng đỏ đã để lại nhiều ấn tượng, được nhân dân và du khách đánh giá cao.
Đặc biệt, Lễ hội Khinh khí cầu lần đầu tiên tổ chức tại thị xã Cửa Lò. Qua đó, đã hút hàng chục nghìn du khách đổ về Cửa Lò để trải nghiệm cảm giác mới lạ, khi được bay lên, được ngắm và chụp ảnh toàn cảnh bãi biển Cửa Lò xinh đẹp. Mới đây, thị xã đã tổ chức thành công Giải đua xe đạp Cửa Lò mở rộng lần thứ nhất tranh Cúp “Hoa cúc biển” với 38 đoàn, hơn 400 vận động viên tham gia tranh tài... Cửa Lò cũng tập trung giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đã giúp thị xã biển thu hút một lượng du khách lớn trong những tháng hè sôi động…
9 tháng đầu năm, lượng khách đến với Cửa Lò ước đạt 2,83 triệu lượt khách, đạt 183% kế hoạch năm, trong đó khách lưu trú 853 nghìn lượt, đạt 165% kế hoạch năm. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 2.892 tỷ đồng, đạt 190% kế hoạch năm... đã phần nào nói lên thành công trong phát triển du lịch của Cửa Lò sau đại dịch Covid-19.
Phát huy kết quả đạt được, thị xã Cửa Lò đã đề ra chính sách kích cầu du lịch mùa Thu Đông thấp điểm. Theo đó, việc kích cầu du lịch được thị xã Cửa Lò xác định, gắn việc phát triển du lịch với thương mại, dịch vụ. Đồng thời kích cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa, đặc biệt là hàng hóa trong tỉnh, thị xã, tạo đà tăng trường du lịch bền vững cho những năm tiếp theo. Cùng với đó, các cơ sở lưu trú trên địa bàn sẽ giảm giá phòng, giảm giá dịch vụ ăn uống; kết nối với các cơ quan ban, ngành Trung ương, địa bàn tỉnh Nghệ An và vùng lân cận để tổ chức các hội nghị, hội thảo, tổng kết cuối năm tại thị xã Cửa Lò...
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Hoàng Văn Phúc, điểm mới trong mùa du lịch Thu - Đông năm nay, Cửa Lò đã chỉnh trang, nâng cấp các điểm du lịch văn hóa tâm linh, làm mới như các điểm check-in ở khu vực Quảng trường Bình Minh, Lâm Viên; cánh đồng hoa cúc biển; khu vực cầu Cửa Hội, đảo Lan Châu cùng các sản phẩm du lịch nông nghiệp cho du khách vừa tham quan vừa chụp ảnh vừa trải nghiệm. Tập trung xây dựng các sản phẩm ở các làng nghề Nghi Thủy, Nghi Hải, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, như nước mắm chắt, cá thu nướng, tôm nõn, mắm tôm... phục vụ nhu cầu du khách. Đặc biệt, thị xã đang xây dựng làng chài Nghi Thủy trở thành điểm đến cả bốn mùa, vừa là điểm du lịch tâm linh, vừa trải nghiệm cuộc sống của ngư dân và mua bán các sản phẩm du lịch của ngư dân...
Cửa Lò tiếp tục tổ chức các lễ hội dân vũ, lễ hội Halloween; các giải thi đấu thể thao quy mô toàn quốc, cấp tỉnh; Chương trình nghệ thuật “Về miền Ví Giặm”, Lễ hội âm nhạc chào năm mới 2023… để lôi cuốn du khách. Cùng với đó, Cửa Lò sẽ tập trung kết nối với các điểm du lịch phụ cận như Quê Bác; Đảo chè Thanh Chương; các Khu di tích: Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Du; Khu du lịch Mường Thanh Diễn Châu; rừng Quốc gia Pù Mát... nhằm thu hút đông đảo du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các sản phẩm du lịch độc đáo.
Chủ động để phát triển
Phó giám đốc sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi cho biết: Ngay sau đại dịch Covid-19, Sở Du lịch Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch; mở cửa lại hoạt động du lịch và đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới.
Cũng như các địa phương khác, sau khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch, ngoài mục tiêu vực dậy ngành “công nghiệp không khói” sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Nghệ An đã đặt mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; đồng thời đưa du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn suốt cả bốn mùa.
Đảo chè Thanh Chương - một điểm đến hấp dẫn của du khách. |
Để làm được điều đó, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các tỉnh trong khu vực đã tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, thông qua hội nghị Quảng bá du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”. Bên cạnh việc liên kết nội vùng, Nghệ An cùng các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng còn liên kết hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội - những địa phương trọng điểm, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù... Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các trung tâm du lịch, xem đây là vấn đề cốt lõi trong quá trình phát triển du lịch.
Tỉnh Nghệ An xác định phải chú trọng làm mới sản phẩm sẵn có và xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, độc đáo mà thị xã biển Cửa Lò là một thí dụ điển hình.
Cùng với đó, khuyến khích các trọng điểm du lịch trong tỉnh như TP Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn, các địa phương có biển và miền Tây Nghệ An tập trung đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch và chuẩn bị nguồn lực để đón khách. Đặc biệt, khuyến khích các khu, điểm du lịch làm mới các sản phẩm du lịch để hút khách. Bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống như du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, thăm quan các di tích lịch sử... thì nay sẽ tạo thêm sức hút bằng việc đưa các hoạt động khám phá, thể thao, văn hóa... hay xây dựng “một điểm đến - đa dịch vụ”, phát triển sản phẩm du lịch đẳng cấp, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Một nét mới Nghệ An đã, đang từng bước triển khai du lịch bốn mùa mà miền Tây được xem là “mỏ vàng” để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch Thu-Đông, mang đến những điều mới mẻ và lý thú cho khách du lịch. Các điểm du lịch cộng đồng ở Khe Rạn, bản Nưa, bản Xiềng (Con Cuông), Hoa Tiến (Qùy Châu)… được xây dựng từ những năm trước; rồi những vườn mận, vườn đào của đồng bào Mông nở bung; những cánh đồng, thung lũng, đồi hoa ở Phủ Quỳ đua nhau khoe sắc luôn gọi mời du khách tìm về check-in và trải nghiệm cảnh đẹp như đã khẳng định được thương hiệu và sức hấp dẫn riêng. Một số sản phẩm, điểm đến mới được xây dựng như Cọ Muồng, Mường Đán, Famstay Nhật Minh (Quế Phong), rừng Săng lẻ, Yên Hòa (Tương Dương), Hòn Mát (Nghĩa Đàn), Phà Lài (Con Cuông)… cũng bắt đầu thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Gần đây, bắt đầu hình thành loại hình du lịch mạo hiểm ở miền Tây Nghệ An. Nổi bật như tour du lịch chinh phục đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn); chèo thuyền trên sông Giăng; khám phá vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông)… Đã chinh phục các du khách nước ngoài và du khách trẻ, ngoại tỉnh ưa mạo hiểm, để thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng của quê hương xứ Nghệ…
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi khẳng định: Ngành đã xây dựng Kế hoạch quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch Thu - Đông năm 2022. Trọng tâm là tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm du lịch đặc trưng ở miền Tây Nghệ An, du lịch văn hóa - tâm linh…, ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông để quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch. Trên cơ sở đó, năm 2022, Nghệ An phấn đấu đón 7 triệu lượt khách, trong đó khoảng 4,5 triệu lượt khách lưu trú nhằm tạo đà cho năm du lịch 2023”