MÔ HÌNH TỐT - VIỆC LÀM HAY

Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào bản địa

Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa đang được nhiều hộ đồng bào dân tộc bản địa ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông phát triển. Loại hình kinh doanh này góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, không gian văn hóa, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
 Du khách được tận hưởng cảm giác mới lạ khi lưu trú trong nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Du khách được tận hưởng cảm giác mới lạ khi lưu trú trong nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã căn cứ cách mạng Nâm Nung có lợi thế về điều kiện tự nhiên với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như: Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, thác Đá, thác Đắk N’tao, nhiều hồ nước tự nhiên đẹp. Nơi đây còn là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Ê Đê cùng nhiều dân tộc anh em khác.

Đặc biệt, một số nghi lễ truyền thống như Tăm Blang M’prang Bon, hội thi ẩm thực truyền thống, dân ca dân vũ, văn nghệ quần chúng… cũng được phục dựng và trở thành một trong những lễ hội độc đáo của vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Để khai thác những thế mạnh về du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, tháng 8/2022, một nhóm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở bon Yốk Ju và bon Ja Ráh đã liên kết thành lập “Nhóm Du lịch cộng đồng Yốk Nâm Nung” nhằm mở ra hướng đi mới, nâng cao thu nhập cho đồng bào bản địa.

Trên cơ sở Nhóm Du lịch cộng đồng Yốk Nâm Nung được thành lập, các thành viên tiếp tục chia thành bốn tổ, nhóm nhỏ phụ trách từng lĩnh vực gồm: Nhóm nhà ở, Nhóm ẩm thực, Nhóm trải nghiệm và Nhóm văn hóa. Mỗi nhóm có hơn 10 gia đình tham gia. Khi có du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng, mỗi nhóm sẽ căn cứ vào nhiệm vụ được phân công phụ trách rồi phối hợp các thành viên trong nhóm cùng tạo liên kết theo chuỗi để phục vụ.

Ngoài những thực đơn khách đặt theo yêu cầu, các hộ đồng bào còn giới thiệu đến du khách những món ăn đặc trưng truyền thống của người M’nông như lá mì xào cá khô, lá bép đọt mây, các món nướng, rượu cần... Du khách đến đây còn được tận hưởng cảm giác mới lạ khi lưu trú trong chính nhà văn hóa cộng đồng các bon, được trải nghiệm đời sống thực tế gắn với không gian văn hóa của đồng bào bản địa, với giá lưu trú chỉ 60.000 đồng/người/đêm.

Thời gian đầu do chưa hiểu hết tầm quan trọng của du lịch cộng đồng đối với sự phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình cho nên số hộ gia đình đăng ký tham gia ít. Qua thời gian hoạt động, từ 26 hộ ban đầu đến nay đã có 43 hộ tham gia, cung cách phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng cũng từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu du khách. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, Nhóm du lịch cộng đồng Yốk Nâm Nung đã hướng dẫn, phục vụ cho hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Chị H’Thinh, Trưởng Nhóm ẩm thực cho biết, khi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, các hộ đồng bào ở đây còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng qua thời gian vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay các hoạt động đã đi vào ổn định, du khách rất hài lòng khi được trải nghiệm dịch vụ.

Tuy số lượng khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ chưa nhiều nhưng người dân rất vui và hy vọng sẽ có nhiều du khách biết đến và tham gia trải nghiệm dịch vụ của nhóm; các món ăn truyền thống, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào bản địa sẽ được bảo tồn và quảng bá thông qua hoạt động du lịch.

Trưởng Nhóm trải nghiệm Y Thanh cho biết, cái được kể từ khi triển khai làm du lịch cộng đồng là ý thức giữ gìn vệ sinh chung của bà con trong bon được nâng cao, không gian nhà ở sạch đẹp, buôn làng khang trang, văn hóa các dân tộc bản địa được nhiều người tìm hiểu, các hộ trong nhóm đều có thêm thu nhập nâng cao đời sống.

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nâm Nung, Trưởng ban Quản lý mô hình du lịch cộng đồng Yốk Nâm Nung cho biết, cái khó khăn nhất của Nhóm du lịch cộng đồng Yốk Nâm Nung hiện nay là nguồn vốn hoạt động. Hiện tại đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, người dân cũng chưa mạnh dạn trong việc hợp tác, kết nối kinh doanh và hoạt động theo nhóm...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngoài việc nâng cao ý thức cho cộng đồng địa phương thì cần có các chính sách lồng ghép hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.