Dự kiến đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội rơi vào tháng 9, 10

NDO - Sở Y tế Hà Nội cho biết, miền bắc hiện ghi nhận hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc tại Hà Nội chiếm hơn 40%, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thạch Thất và Thanh Trì là 2 huyện có diễn biến dịch phức tạp, với số ca bệnh nhiều nhất hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tăng mạnh ca nhiễm ở các địa bàn ngoại thành

Tính đến ngày 14/8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.512 ca sốt xuất huyết (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.

Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 trường hợp mắc mới.

Trong số 776 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại các bệnh viện có 8 ca nặng. Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức là nơi tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nhất (100 ca), tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội điều trị 79 bệnh nhân, tại Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 bệnh nhân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương dự báo, đỉnh dịch năm 2023 tại Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân như: năm 2015 (có 15.412 ca); năm 2019 (có 12.255 ca); năm 2022 (có 19.771 ca).

Lý giải cho sự gia tăng này, theo ông Vũ Cao Cương, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32 độ C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao.

Thậm chí, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thời điểm này, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.

Hiện Thạch Thất và Thanh Trì là 2 huyện có diễn biến dịch phức tạp, với số ca bệnh nhiều nhất hiện nay. Riêng tại Thạch Thất có 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân là thôn Vĩnh Lộc, thôn Bùng (xã Phùng Xá) và thôn Sen, thôn Bàn (xã Hữu Bằng).

Theo ông Vũ Cao Cương, qua kết quả kiểm tra, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) cho thấy, ổ dịch không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy.

Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gậy của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy; ý thức người dân chưa cao, không quan tâm đến các hoạt động phòng chống dịch; chỉ số bọ gậy sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ. Sau đó, ổ dịch này đã lây lan sang xã Hữu Bằng là xã tiếp giáp với Phùng Xá.

Còn tại ổ dịch thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), Sở Y tế thành phố đã tiến hành kiểm tra, giám sát cho thấy, ổ dịch này cũng không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu. Kết quả kiểm tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội từ 18/7 đến 8/8 đều ghi nhận chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Chu kỳ dịch sốt xuất huyết thay đổi, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, các đội cơ động phòng, chống dịch của ngành y tế thành phố đã trực tiếp đến các địa phương, hướng dẫn thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch. Thế nhưng, qua kiểm tra tại xã Phùng Xá, công tác phòng, chống dịch còn lơ là.

Theo đại diện một số địa bàn gia tăng mạnh ca sốt xuất huyết đều chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác chống dịch như thiếu nhân lực, ý thức người dân chưa cao trong việc diệt bọ gậy, lăng quăng; khó khăn trong đấu thầu mua hoá chất…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, trước đây, chu kỳ dịch sốt xuất huyết là 4-5 năm/lần nhưng hiện nay, dịch sốt xuất huyết đã thay đổi, không còn quy luật này.

"5 năm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận trung bình 10.000 ca/năm. Riêng năm 2022, thành phố đã có 19.000 ca. Năm nay, dự báo số ca mắc có thể không dưới 19.000 ca. Đặc biệt, năm ngoái, tháng 8 dịch mới gia tăng. Thế nhưng, năm nay, ngay từ tháng 7, dịch đã gia tăng, sớm hơn 1 tháng", ông Tuấn cho hay.

Thêm vào đó, những năm trước, dịch bệnh tập trung ở các quận nội thành, dân số đông như Đống Đa, Hoàng Mai, năm nay, dịch tập trung ở vùng ven, ở những huyện ngoại thành như Thạch Thất, Hoài Đức, Thường Tín… Do đó, nếu không có biện pháp phòng, chống quyết liệt và hiệu quả, nguy cơ dịch bệnh còn gia tăng hơn nữa.

Tại hội nghị giao ban về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã diễn ra chiều 16/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, số ca bệnh hiện gia tăng mạnh và dịch bệnh đến sớm hơn mọi năm. Qua kiểm tra, một số ổ dịch cơ bản được khống chế, nhưng có những ổ dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài và được xử lý chưa triệt để.

Đồng chí Vũ Thu Hà đã nhấn mạnh rất nhiều lần về việc phải chủ động và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả. Các địa phương cần phải vận hành cao điểm, tập trung triển khai các biện pháp kịp thời, không được chủ quan và việc phòng bệnh phải đi trước. Nếu làm tốt công tác phòng bệnh sẽ giảm thiểu ca mắc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Tính đến ngày 11/8, cả nước đã ghi nhận 57.698 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Phước, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Kiên Giang và Long An. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm 61%, tử vong giảm 67 trường hợp.