Dự báo giá lúa gạo sẽ sớm tăng trở lại do nhu cầu còn cao

NDO - Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp giảm trong những ngày vừa qua, hiện ở mức 600 USD/tấn. So với cách đây một tuần, mức giá này đã giảm 28 USD/tấn. Gạo Thái Lan cùng loại có giá 608 USD/tấn; gạo Pakistan 609 USD/tấn.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo.
Năm 2024, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo.

Nguyên nhân là do đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời hoạt động mua bán lúa gạo cũng đang chững lại, giao dịch chậm trong suốt tuần qua. Tuy nhiên giá lúa gạo được dự báo sẽ sớm tăng trở lại do nhu cầu còn cao.

Cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt vì ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino năm 2023. Do đó, theo dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa chính trong năm sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024 thay vì tháng 3 và tháng 4 hằng năm.

Với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, tổng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn. Trong những ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu.

Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2024, Indonesia đã nhập khẩu 441,93 nghìn tấn, tăng 82,19% so với tháng 1/2023 với giá trị 279,2 triệu USD. Trong đó lượng gạo nhập từ Việt Nam là 32,34 nghìn tấn. Trong năm 2023, Indonesia đã trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, trị giá 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022.

Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.

Nguồn cung từ nhiều quốc gia xuất khẩu đều sụt giảm

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, lũy kế xuất khẩu gạo cả năm 2023 của Thái Lan đạt 8,76 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 2022. Trong tháng 1/2024, xuất khẩu gạo Thái Lan đạt 1,12 triệu tấn, lần lượt tăng đến 44% so với cùng kỳ 2023 và 37% so với tháng 12/2023.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Thái Lan và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái (TREA) đều có chung dự báo về xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2024 sẽ thấp hơn khoảng 14,38% so với năm 2023, về mức 7,5 triệu tấn, do sản lượng thu hoạch trong năm 2024 dự kiến giảm khoảng 5,9%.

Nguyên nhân là hiện tượng thời tiết nắng nóng El Nino ảnh hưởng đến sản xuất trong khi cạnh tranh về giá giữa các nguồn cung lớn trên thế giới sẽ gia tăng (đặc biệt là với Việt Nam). Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái đang nhấn mạnh vai trò của việc phát triển các giống lúa mới nhằm gia tăng sản lượng và thặng dư hàng hóa dành cho xuất khẩu.

Trong khi nguồn cung của Thái Lan không dồi dào thì khả năng dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng chưa được mở ra khiến thị trường gạo tiếp tục được dự báo sẽ còn nhiều biến động.

Về phía Việt Nam, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: Năm 2024, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng 7,1 triệu ha, sản lượng hơn 43 triệu tấn lúa, bảo đảm nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo. Tính đến ngày 22/2/2024, vụ đông xuân 2023-2024 đã xuống giống được 1,474 triệu ha/1,475 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 415.000 ha với năng suất khoảng 6,25 tấn/ha, đạt sản lượng 2,594 triệu tấn lúa.