Đột phá thể chế để phát triển giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Ngày 27/2, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Đây là bước triển khai Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong lĩnh vực giáo dục.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương trong vùng.

Dù còn nhiều khó khăn, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn có một số chỉ số về giáo dục và đào tạo đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước. Số lượng các cơ sở giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục ngày càng tăng. Hiện có 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học. Các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường đại học hoặc có chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long còn những khó khăn, hạn chế như: Cơ sở vật chất trang thiết bị trường lớp chưa được đầu tư kiên cố, đồng bộ. Nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng làm việc. Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên phục vụ chương trình đổi mới giáo dục và sách giáo khoa, ngân sách đầu tư cho giáo dục còn thấp…

Theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 do VCCI công bố, vùng đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu, nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các địa phương trình bày nhiều tham luận nêu thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phát triển giáo dục trong thời gian tới.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Xét về chất lượng, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông của vùng đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước dù gặp nhiều khó khăn, cho thấy giáo dục vùng không còn là vùng trũng giáo dục nữa mà đã vươn lên bằng với mức bình quân chung của cả nước, trong đó có một số mặt vượt trội hơn.

Để phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể, chứ không thể là giải pháp đơn lẻ. Cấp bách là kiên cố hóa trường lớp, trang thiết bị, phòng học bộ môn.

Các địa phương rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường học, có phương án phù hợp nhất với khu vực địa hình chia cắt, sông nước. Không sắp xếp máy móc, cơ học nhưng cũng không để phân tán quá sẽ khó nâng chất lượng giáo dục. Khi xây dựng trường học, cần lưu ý mẫu trường học phù hợp với địa hình, điều kiện tự nhiên của khu vực này. Hướng đến mô hình trường học gần gũi với thiên nhiên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị lãnh đạo các địa phương trong vùng tập trung phối hợp các Bộ, ngành có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế, tăng đầu tư cho giáo dục. Hiện nhiều tỉnh đã chi hơn 20% ngân sách địa phương cho giáo dục nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Năm 2023-2024, đổi mới giáo dục phổ thông là trọng tâm nên cần đầu tư để đạt hiệu quả cao nhất.