Tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Chiều 14/2, tại Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trì hội nghị.

Cùng dự, có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Tại hội nghị, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã báo cáo tiến độ, những khó khăn, vướng mắc và đều thể hiện quyết tâm cao nhằm thực hiện thành công các chương trình nhằm đưa đời sống nhân dân trong vùng ngày càng phát triển. Các bộ, ngành Trung ương cho rằng, cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được kéo dài sang năm 2023 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2023.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương cần khẩn trương ban hành hướng dẫn, phối hợp các địa phương thúc đẩy cao nhất tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước. Các cơ quan chủ chương trình chủ trì, phối hợp các cơ quan chủ dự án thành phần hoặc liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình.

Các địa phương sớm ban hành cơ chế chính sách cấp địa phương; khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; bảo đảm giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao.

Các chương trình mục tiêu quốc gia là một công cụ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; ưu tiên tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ xây dựng nguyên tắc và lựa chọn danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương phải được sử dụng có hiệu quả, phân bổ theo nguyên tắc tập trung, định mức cụ thể, rõ ràng, minh bạch, bảo đảm có sự lồng ghép các nguồn lực khi thực hiện 3 chương trình trên một địa bàn. Trong đó, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các vấn đề cấp bách, hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn; phấn đấu đến năm 2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long không còn xã đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư gần 8.791 tỷ đồng cho các địa phương vùng Tây Nam Bộ để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Năm 2022, các địa phương trong vùng đã ban hành các cơ chế, chính sách để bảo đảm điều kiện phân bổ kế hoạch vốn Trung ương giao thực hiện 3 chương trình nói trên. Tuy nhiên, do các địa phương thực hiện chậm việc phân bổ, giao kế hoạch vốn Trung ương nên ảnh hưởng tiến độ thực hiện chương trình.

Năm 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước Trung ương giao cho các địa phương Tây Nam Bộ gần 2.233 tỷ đồng.