Đột phá của ngành giao thông vận tải

Một trong những đổi thay, dấu ấn đậm nét nhất của Thủ đô sau 70 năm xây dựng là hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, ngày càng hiện đại.
Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.
Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.

Năm cửa ô đã thật sự rộng mở với những cây cầu, tuyến đường mới đưa Hà Nội vươn nhanh, vươn xa hơn.

Từ nội thành ra sân bay Nội Bài bây giờ có nhiều lựa chọn. Có thể đi qua cầu Thăng Long, hay vượt cầu Chương Dương, Đông Trù, rồi đường Võ Nguyên Giáp là đến. Mới đây, đường Âu Cơ được mở rộng sáu làn xe giúp người dân, du khách có thêm lựa chọn khi kết nối rất nhanh với cầu Nhật Tân để hướng ra sân bay.

Những người có nhiều năm gắn bó, hoặc người lâu lâu mới trở lại Hà Nội đều có chung cảm nhận về sự đổi thay của Thủ đô, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Điều này có được là nhờ Trung ương, thành phố đã quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết: Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước. Hệ thống giao thông vận tải được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Bởi vậy, thành phố tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông Thủ đô sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã có bảy tuyến đường hướng tâm (tổng cộng 111,32 km), tám tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58 km) được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46 km của bảy tuyến đường vành đai. Trong đó, nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội-Lào Cai; Hà Nội-Hải Phòng; Pháp Vân-Cầu Giẽ... thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.

Đặc biệt là tuyến đường vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6/2023, đến nay đã bắt đầu thành hình, phấn đấu đưa vào khai thác đường song hành từ cuối năm 2024, mở ra cơ hội cũng như tạo động lực phát triển rất lớn không chỉ cho Hà Nội mà cả khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Cùng với đó, thành phố đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn, như đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy, đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở; đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái cùng nhiều công trình chống ùn tắc trong nội đô; đường vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long; đường vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long-Quốc lộ 32…

Ngay trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, một số dự án giao thông quan trọng như dự án đầu tư xây dựng đường Lê Quang Đạo kéo dài, tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng được đưa vào khai thác.

Từ chỗ chỉ có cầu Long Biên và cầu Đuống được xây dựng từ thời Pháp, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành từ giữa những năm 1980, đến nay, Hà Nội đã có nhiều cây cầu lớn bắc qua sông Hồng như: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù...

Tới đây thành phố sẽ tập trung đầu tư thêm hàng loạt cây cầu quan trọng khác như Hồng Hà, Vân Phúc, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở… tạo kết nối có tính tương hỗ với nhau. Như cầu Thượng Cát trên đường vành đai 3,5 không chỉ kết nối trung tâm với khu vực huyện Đông Anh, mà còn kết nối đến khu vực huyện Mê Linh ở phía bắc Thủ đô; cầu Vân Phúc kết nối Hà Nội với Vĩnh Phúc theo trục dọc bắc-nam, khai thông hướng tiếp cận cho bảy huyện khu vực phía nam thành phố.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, thành phố có 128 tuyến buýt trợ giá với hơn 1.900 xe buýt, “phủ sóng” toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và hơn 500 xã, phường, thị trấn; trong đó có 282 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 14,8% tổng số phương tiện.

Đến nay hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 70-90% số xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, tăng lên 100% vào năm 2035.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh, khối lượng lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường. Sau gần ba năm hoạt động (từ ngày 6/11/2021), tuyến đường sắt đô thị này đã vận chuyển hơn 28 triệu lượt hành khách bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Từ sự hoài nghi ban đầu của người dân về năng lực vận hành, đến nay, mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt hành khách sử dụng tàu điện làm phương tiện đi lại chính. Tiếp đó, từ tháng 8/2024, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội được vận hành khai thác thương mại. Chỉ sau một tháng rưỡi đã vận chuyển 1,3 triệu lượt hành khách, vừa xây dựng hình ảnh giao thông Thủ đô văn minh, vừa góp phần quan trọng giảm ùn tắc giao thông.

Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hệ thống đường sắt đô thị, bảo đảm phục vụ người dân và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hơn của Thủ đô trong tương lai.