Du lịch đổi mới để bứt phá

Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngành du lịch Hà Nội đón nhận nhiều tin vui khi được vinh danh các giải thưởng quốc tế danh giá: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á…
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tìm hiểu sản phẩm tại Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội mới được tổ chức.
Khách du lịch tìm hiểu sản phẩm tại Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội mới được tổ chức.

Lượng khách đến Hà Nội trong chín tháng năm 2024 cũng vượt mức 21 triệu khách. Du lịch đã lấy lại động lực tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch Covid-19 và sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới.

Mặc dù trong tháng 9 vừa qua, Hà Nội chịu ảnh hưởng khá nặng nề do bão số 3, nhưng ngành du lịch vẫn đạt kết quả khả quan. Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 9, Hà Nội đón 21,12 triệu lượt khách.

Hà Nội đang vào cuối thu, đây cũng là giai đoạn được coi là “mùa vàng du lịch”, do đó, nhiều khả năng ngành du lịch Thủ đô sẽ vượt qua mục tiêu đón 27 triệu du khách trong năm 2024, tương đương với số lượng khách du lịch giai đoạn trước dịch Covid-19.

Đây là kết quả hết sức đáng mừng, bởi sau đại dịch Covid-19, thế giới đứng trước nhiều biến động, khiến ngành du lịch của nhiều quốc gia phục hồi chậm chạp. Sự hồi phục nhanh chóng của du lịch Thủ đô góp phần quan trọng vào quá trình khôi phục kinh tế du lịch của cả nước.

So với những ngành kinh tế khác trong 70 năm xây dựng và phát triển của Thủ đô, du lịch là lĩnh vực còn non trẻ. Bởi ngành du lịch chỉ thật sự phát triển khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và mở cửa. Bản thân ngành du lịch cũng chỉ có cơ quan quản lý nhà nước độc lập từ năm 2015, khi Sở Du lịch Hà Nội ra đời.

Tuy nhiên, du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô. Hà Nội vốn có lợi thế về du lịch văn hóa, du lịch di sản và lợi thế này được nhân lên khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008. Kể từ đó, Hà Nội sở hữu kho di sản văn hóa giàu có, cùng với 1.350 làng nghề và làng cổ; mặt khác, Hà Nội có thêm vùng núi rộng lớn, với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức.

Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để Thủ đô phát triển đa dạng các loại hình du lịch ngoài thế mạnh sẵn có. Năm 2019, Hà Nội đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế là hơn 7 triệu lượt. Đây là cơ sở để thành phố hướng tới những mục tiêu xa hơn. Tuy nhiên, Covid-19 khiến du lịch đã trải qua quãng thời gian “chạm đáy”.

Cả năm 2020, thành phố chỉ đón 8,65 triệu lượt khách, với 1,11 triệu khách quốc tế. Nhưng sau khi dịch bệnh chấm dứt, từ năm 2022, du lịch Hà Nội đã hồi sinh mạnh mẽ. Đây là kết quả của quá trình đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ của ngành du lịch Thủ đô.

Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống về di sản, làng nghề, Hà Nội luôn chú trọng phát triển sản phẩm theo hướng đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Điển hình như thúc đẩy triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch trải nghiệm; du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế; phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đặc trưng, du lịch cộng đồng...

Thành phố cũng mở rộng kết nối sản phẩm du lịch Thủ đô với sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Việt Bắc… Cụ thể hóa định hướng này, thành phố liên tục cho ra đời những sản phẩm du lịch mới, hoặc đổi mới những sản phẩm truyền thống.

Điển hình như từ cuối năm 2023 đến nay, thành phố đã ra mắt tour trải nghiệm đêm tại đền Ngọc Sơn, Chợ đêm tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), tour kết nối di sản Nam Thăng Long qua các di tích, làng nghề gồm: Đình nội Bình Đà-làng hương Quảng Phú Cầu-nghề dệt Phùng Xá…

Hay mới đây nhất là các tour trải nghiệm mùa thu Hà Nội. Đối với nhóm sản phẩm du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, tận dụng cảnh quan thiên nhiên của vùng núi Ba Vì, các khu du lịch Vườn quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh-Suối Tiên, Ao Vua… đều liên tục đổi mới sản phẩm để du khách có thêm nhiều trải nghiệm phong phú.

Đối với công tác quảng bá, Hà Nội xây dựng các chiến dịch quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các nền tảng số, phù hợp với xu hướng mới của thị trường; quảng bá trên những kênh truyền thông quốc tế lớn.

Đối với công tác chuyển đổi số, thành phố triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, ưu tiên cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực trên cơ sở xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu về văn hóa, lịch sử của Thủ đô; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính liên quan đến hoạt động du lịch, như: thu thập, thống kê thông tin, kiểm tra, giám sát, công tác dự báo thị trường, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch.

Thành phố cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư làm du lịch kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Với chiến lược bài bản, toàn diện, du lịch Hà Nội hứa hẹn những bứt phá mới trong thời gian tới.