Đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt, tri ân các nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô.
Những ký ức năm xưa là động lực để thành phố nỗ lực hơn nữa trong xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.
Trong không khí dịu mát của những ngày tháng 10, cùng với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, hơn 200 nhân chứng trực tiếp tham gia Giải phóng Thủ đô đã tề tựu về Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô trong cảm xúc tự hào xen lẫn bồi hồi khi nhớ về mùa thu lịch sử năm 1954.
70 năm trước, sáng 10/10 đoàn quân chiến thắng từ các hướng khác nhau tiến vào tiếp quản, giải phóng Thủ đô. Ngày 10/10/1954 đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc; kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng này cũng đi vào lịch sử thế giới và truyền cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc, đòi quyền dân tộc tự quyết.
Tại buổi lễ, qua phóng sự với chủ đề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, các đại biểu đã ôn lại thời điểm Hà Nội cùng cả nước anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua bao gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ, đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô trong một ngày mùa thu lịch sử.
Phóng sự nhắc nhở thế hệ hôm nay về một trong những trang vàng chói lọi nhất, một hiện thân sinh động nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh trí tuệ Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Các nhân chứng lịch sử tham gia Ngày Giải phóng Thủ đô đã kể lại những câu chuyện xúc động và tự hào. Cựu chiến binh Lê Văn Tính, phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “70 năm trước, tôi là chiến sĩ liên lạc của Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô, Sư đoàn Quân tiên phong.
5 giờ ngày 10/10/1954, đơn vị tôi từ làng Phùng (huyện Đan Phượng) tiến về Hà Nội.
Đông đảo người dân đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào. Buổi chiều, chúng tôi tập trung ở sân Cột cờ, cùng các đơn vị bạn và nhân dân, có cả tổ chức quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneve dự lễ thượng cờ. 15 giờ, còi Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài, Quốc ca hùng tráng vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội”.
Xúc động và tự hào là cảm giác chung của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong có mặt trong buổi lễ, nhất là những chiến sĩ đã từng trực tiếp trở về Thủ đô năm ấy.
Nay đã bước sang tuổi “bách niên” có lẻ, cụ Trần Phiên (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) vẫn nhớ rõ những ký ức hôm nào. Cụ cho biết: “Tôi công tác ở đơn vị pháo binh có trách nhiệm bảo vệ ở vòng ngoài. Lúc đấy đơn vị chúng tôi ở khu vực Pháo đài Láng và ngoại thành. Khi trở về, bà con hân hoan chào đón, chúng tôi vui mừng lắm.
Khi đó mới hiểu ý nghĩa của Giải phóng Thủ đô, nghĩa là đã đánh đuổi thực dân, chính quyền thật sự về tay ta. Tôi ở Hà Nội từ năm 1957 đến nay, chứng kiến sự thay đổi lớn mạnh của Thủ đô qua bao nhiêu năm tháng. Điều đó làm tôi thấy hạnh phúc khi mình đã góp sức lực nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố”.
Tiếp nối truyền thống hào hùng, Thủ đô đang phát triển ngày một mạnh mẽ, hiện đại. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 410,51 nghìn tỷ đồng. 8 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 343,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ 2023, thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71%.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công. Thành phố hoàn thành trước một năm chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng huyện nông thôn mới.
Những kết quả đáng tự hào này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết trên dưới một lòng của các tầng lớp nhân dân.
Trong không khí phấn khởi và tự hào, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn trân trọng, tự hào và biết ơn những người con ưu tú đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu và trực tiếp tham gia tiếp quản, giải phóng Thủ đô, cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và mong muốn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, lão thành Cách mạng sống vui, sống khỏe, tiếp tục đóng góp trí tuệ, sức lực, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại.