Động lực mới từ mô hình “thành phố trong thành phố”

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ đối với công tác quy hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (huyện Thạch Thất) là hạt nhân của thành phố phía tây Hà Nội.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (huyện Thạch Thất) là hạt nhân của thành phố phía tây Hà Nội.

Trong đó xác định nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Mô hình “thành phố trong thành phố” theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được kỳ vọng không chỉ giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, nâng cao chất lượng sống của người dân, mà còn tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Thành phố phía bắc của Hà Nội sẽ lấy sân bay Nội Bài là hạt nhân định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ. Thành phố này có tổng diện tích khoảng 633 km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người.

Thành phố phía tây có trung tâm là khu công nghệ cao Hòa Lạc và thị trấn Xuân Mai, trong đó khu đô thị Hòa Lạc là đầu não về khoa học, giáo dục và kỹ thuật công nghệ cao. Thành phố phía tây có diện tích khoảng 251 km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2011, mô hình phát triển đô thị của Hà Nội là “đa cực, đa trung tâm” với đô thị trung tâm, năm đô thị vệ tinh, ba đô thị sinh thái và các thị trấn. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung lần này vẫn tiếp tục kế thừa các mô hình phát triển. Tuy nhiên, có bổ sung, điều chỉnh mô hình đô thị vệ tinh, hình thành mô hình “thành phố trong thành phố” theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho rằng, phát triển thành phố trong Thủ đô là một hướng đi khả thi và hợp lý cho Hà Nội nhằm giảm tải áp lực đô thị hóa, đồng thời phát huy tiềm năng của các khu vực lân cận. Với mô hình này, Hà Nội có thể đạt được sự phát triển bền vững, cân đối giữa bảo tồn và hiện đại hóa, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của khu vực và quốc tế.

Ưu điểm của mô hình “thành phố trong thành phố” là tăng cường kết nối kinh tế. Mỗi đô thị vệ tinh đóng vai trò như một trung tâm phát triển kinh tế, giúp tăng cường liên kết và thu hút đầu tư cho khu vực. Một ưu điểm nữa của mô hình này là giúp Hà Nội phân tán dân cư, giảm bớt mật độ dân số tại khu vực nội đô, giảm áp lực về hạ tầng giao thông và dịch vụ công cộng.

Việc lựa chọn khu vực bắc sông Hồng và phía tây thành phố để phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” như đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được nhiều chuyên gia đánh giá có cơ sở khoa học và thực tiễn. Kiến trúc sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, mô hình “thành phố trong thành phố” được dựa trên mô hình đô thị vệ tinh trước đây.

Do vậy bản chất là không giảm đi số lượng mà là chuyển đổi mô hình đô thị vệ tinh sang mô hình “thành phố trong thành phố”. Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, việc nghiên cứu phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” để tạo ra cực phát triển mới, năng động, hiệu quả hơn là nhu cầu tất yếu đối với Hà Nội trong giai đoạn tới.

Thách thức đối với phát triển hai thành phố của Thủ đô là nhu cầu hạ tầng đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và cân đối giữa các khu vực nhằm bảo đảm hạ tầng giao thông, dịch vụ, công trình công cộng... Do đó, cần có cơ chế chính sách đủ mạnh nhằm bảo đảm tính khả thi của quy hoạch.

Tại hội thảo “Thủ đô Hà Nội: 70 năm sự nghiệp quy hoạch-kiến trúc và phát triển đô thị 1954-2024”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011.

Trong đó bao gồm việc bổ sung những điều kiện phát triển mới như: Xây dựng năm trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô; xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi; xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía nam thành phố…

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.