Điểm sáng thu hút đầu tư

Sau 70 năm xây dựng và phát triển, thành phố Hà Nội có một diện mạo, tầm vóc mới. Đóng góp cho thành công đó có vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sản xuất thiết bị vệ sinh tại Công ty TNHH Toto Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Sản xuất thiết bị vệ sinh tại Công ty TNHH Toto Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. (Ảnh ĐĂNG ANH)

TỪ sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, đồng thời trăn trở, tìm tòi, từng bước tháo gỡ khó khăn để đi lên.

Bước vào thời kỳ đổi mới (từ năm 1986), kinh tế Hà Nội liên tục tăng trưởng cao, phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, nguồn vốn đầu tư không chỉ từ ngân sách nhà nước mà được huy động từ các nguồn lực xã hội hóa trong nước và đầu tư nước ngoài.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, mang lại cơ hội phát triển mới. Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển thành phố huy động được đạt gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng trung bình 11,04%/năm. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét, giảm ở khu vực nhà nước và tăng nhanh ở khu vực ngoài nhà nước.

Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực như cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... Đến nay, Hà Nội đã thu hút mới hơn 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33 tỷ USD.

Ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, thì hằng năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp hơn 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, thành phố Hà Nội phấn đấu thu hút khoảng 3,15 tỷ USD vốn FDI.

Năm 2025, thành phố tiếp tục thu hút khoảng 2,7 tỷ USD vốn FDI. Với những con số này, Hà Nội luôn nằm trong tốp những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Có thể nói, Hà Nội, với lợi thế cạnh tranh kinh tế-xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng, luôn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Hơn nữa, Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng và những nỗ lực hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương thu hút, tập trung được nhiều nguồn lực đầu tư. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư.

Công tác xúc tiến đầu tư cũng được tổ chức một cách đồng bộ, hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn. Cải cách hành chính của thành phố thời gian qua tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Đây là một yếu tố rất quan trọng để giữ chân các nhà đầu tư. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, thành phố luôn quan tâm và dành những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư.

Bên cạnh những cơ chế ưu đãi chung đã có, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư trong thời gian tới. Đơn cử, với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được xác định “ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược” sẽ được thành phố miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội luôn xác định nguồn vốn đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển.

Một số ngành, lĩnh vực được thành phố lựa chọn để ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các lợi thế của Thủ đô, đồng thời khai thác các thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng.

“Thành phố Hà Nội sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư; bảo đảm an ninh, an toàn, ổn định; bảo đảm cung ứng thiết yếu (điện, nước, logistics…), đẩy mạnh phát triển hạ tầng và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thành phố tăng cường cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư”, lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh.