Chiều 19/4, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp báo thông tin sơ bộ về trường hợp tử vong sơ sinh, xảy ra ngày 18/4 tại Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp.
Thông tin với báo chí, đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp thông tin sơ bộ về trường hợp tử vong sơ sinh ngày 18/4/2024 tại Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp.
Cụ thể, sản phụ P.T.T.N., sinh 20/3/2002, địa chỉ tại xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, làm công nhân. Sản phụ được chẩn đoán lúc vào viện: Theo dõi thai có nguy cơ cao/con so, thai 37 tuần, ngôi mông - chuyển dạ sanh.
Sản phụ được phẫu thuật lấy thai thành công lúc 2 giờ 30 ngày 16/4, bé trai nặng 2,8 kg. Chẩn đoán trước phẫu thuật: Chuyển dạ đình trệ do ngôi mông/con so - thai 37 tuần, ngôi mông - chuyển dạ sanh - ối vỡ giờ thứ 1.
Đến 0 giờ 30 ngày 18/4, người nhà phát hiện bé tím tái toàn thân, không phản xạ, ngưng tim, ngưng thở; miệng, mũi đầy dịch.
Các y bác sĩ đã xử trí bằng cách: hút đàm nhớt ra dịch, đặt nội khí quản thấy dịch trong nội khí quản, tiến hành hút dịch qua nội khí quản, bóp bóng.
Xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng thuốc vận mạch theo phác đồ cấp cứu. Sau 30 phút hồi sức, tình trạng bé không cải thiện. Kết luận sơ bộ: Tử vong sơ sinh do suy hô hấp cấp nghi do hội chứng hít dịch tiêu hóa của trẻ sơ sinh.
Kết luận sau khi họp kiểm thảo tử vong: Họp kiểm thảo tử vong lúc 10 giờ ngày 19/4. Thành phần gồm: đại diện Sở Y tế, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đại diện Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp và phía Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp.
Sau khi thảo luận, phân tích cùng các bác sĩ chuyên khoa Hồi sức - cấp cứu, Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, Hội đồng Kiểm thảo tử vong của Bệnh viện Quân dân Y có kết luận như sau: Kết luận chung: Tử vong sơ sinh do suy hô hấp cấp, nghi do hội chứng hít dịch tiêu hóa của trẻ sơ sinh.
Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HỮU NGHĨA |
Thông tin thêm với báo chí, bác sĩ Dương Quốc Định, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp cho biết, chiều 17/4, bé có sốt, ọc, người nhà thông báo bác sĩ. Nhận được thông tin từ người nhà, bác sĩ có xem và khám cho bé, đồng thời hướng dẫn gia đình chăm sóc, theo dõi thêm, vì sau khi bé tiêm ngừa vaccine (viêm gan B và lao) các bé thường có phản ứng nhẹ. Bác sĩ Định cũng khẳng định bé tử vong không liên quan đến vaccine.
Tuy nhiên, đến 0 giờ 30 phút, ngày 18/4, gia đình phát hiện bé tím tái toàn thân. Bệnh viện đã tập trung tất cả nguồn lực bệnh viện như khoa hồi sức cấp cứu, khoa gây mê hồi sức, khoa sản nhi để thực hiện với tất cả biện pháp cấp cứu nhưng tình trạng bé cấp tính, không cải thiện.
Quá trình người nhà phản ứng sự việc cháu bé tử vong, Ban giám đốc Bệnh viện có đến, lúc này cũng có Công an phường 1, thành phố Cao Lãnh đến. Bệnh viện mời gia đình đến trao đổi, giải thích trường hợp bé tử vong, đồng thời, đồng cảm, chia sẻ với gia đình. Gia đình đã thống nhất đưa bé về an táng.
Tuy nhiên, sau đó, có một người thân trong gia đình cháu bé đưa thông tin lên mạng xã hội phản ánh trường hợp cháu bé tử vong tại bệnh viện.
Bệnh viện đã gặp gia đình, cho ký cam kết không khiếu nại, không thưa kiện. Nếu không đồng ý kết luận của ngành chuyên môn, ngành chức năng sẽ tiến hành mổ tử thi. Gia đình đã ký cam kết không mổ tử thi.
Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Nhân Dân đặt câu hỏi: Kết luận Tử vong sơ sinh do suy hô hấp cấp nghi do hội chứng hít dịch tiêu hóa của trẻ sơ sinh, từ trước đến nay, bệnh viện có gặp những trường hợp tương tự như vậy không?Nếu bệnh viện xác định trường hợp của bệnh nhi là trường hợp khó, tại sao không chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp (Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp cách Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp khoảng 1,5km)?
Trả lời câu hỏi phóng viên Báo Nhân Dân, bác sĩ Dương Quốc Định cho biết: “Trước giờ bệnh viện chưa gặp trường hợp nào tương tự. Riêng sáng nay, có chuyên gia cho biết là bệnh viện tỉnh và một số bệnh viện khác đã có xảy ra những trường hợp tương tự.
Việc không chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp là do đây là trường hợp bé ngưng tim, ngưng thở, bệnh viện thực hiện cấp cứu ban đầu, khi bé thở lại thì mới chuyển. Vì nếu chuyển trong thời gian này sẽ mất đi “giờ vàng”.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân là tại sao bệnh viện chưa từng gặp trường hợp nào tương tự mà bệnh viện không hội chẩn bệnh viện tuyến tỉnh hoặc các bệnh viện liên quan sản - nhi.
Bác sĩ Dương Quốc Định khẳng định: “Trong trường hợp cấp cứu, bác sĩ đã học bài bản về cấp cứu và đã thực hiện đầy đủ quy trình hồi sức cấp cứu. Bệnh viện đã tập trung các bộ phận gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu… tập trung cứu cháu bé. Không có bác sĩ nào mong muốn hại bệnh nhân cả, đội ngũ y, bác sĩ đã cố gắng, không có chuyện tắc trách, đã làm hết trách nhiệm của người thầy thuốc”.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: HỮU NGHĨA |
Qua ca tai biến này, phóng viên đặt câu hỏi, tỉnh có khuyến cáo gì trong chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, đối với việc điều trị sản nhi, tỉnh Đồng Tháp đang có chủ trương thành lập Bệnh viện Sản nhi Đồng Tháp. Đây là đơn vị đầu ngành có công tác chuyên môn, có sự tập trung, đầu tư cả hệ thống y tế từ tỉnh xuống huyện.
Đối với khuyến cáo chung cho ngành sản nhi, tỉnh phải có việc tập huấn kiến thức thường quy về các trường hợp cấp cứu sản, cũng như là cấp cứu, chăm sóc, theo dõi sơ sinh cho tốt tất cả khâu.
Bởi vì, trẻ sinh ra có rất nhiều rủi ro tử vong sau sinh trong vòng 28 ngày đầu. Khi kỹ thuật chăm sóc, theo dõi không tốt sẽ xảy ra tình trạng tai biến khó lường.
“Do đó, qua ca tử vong này, ngành y tế sẽ có chấn chỉnh, tập huấn lại cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, kể cả cơ sở công lập và cơ sở tư để củng cố công tác chuyên môn cho ngành, gồm có cấp cứu sản khoa, theo dõi chăm sóc sau sinh, tiêm chủng.
Quá trình chăm sóc trẻ, không chỉ cán bộ y tế, mà còn giáo dục sức khỏe cho bà mẹ sau sinh về cách chăm sóc, dinh dưỡng, theo dõi khi bé có dấu hiệu bất thường, khó thở, ăn uống kém…”, bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Tấn Bửu cho biết.