Càng gần về cuối năm, các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang tăng tốc đầu tư xây dựng, cho thấy sự tiến triển lớn, sau khi có những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Triển khai nhiều giải pháp
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu thủ trưởng các ngành, các địa phương xây dựng chỉ tiêu, nhiệm vụ để lập chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao.
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Lê Lam Minh Nhật cho biết, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục điều hành quyết liệt trong lĩnh vực đầu tư công, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thúc đẩy giải ngân, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư chủ động, sát sao, vào cuộc thực chất, xây dựng “Kế hoạch 30 ngày tập trung toàn diện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”.
Để bảo đảm sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và đạt tỷ lệ giải ngân tốt nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực Kế hoạch 30 ngày tập trung toàn diện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của từng đơn vị (bắt đầu từ ngày 1/12). Kế hoạch xây dựng phải yêu cầu rõ từng nội dung công việc phải hoàn thành, nhiệm vụ của từng cá nhân, bộ phận phụ trách và xác định rõ kết quả quyết tâm phải đạt được trong 30 ngày thực hiện kế hoạch.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan phải kiên quyết thực hiện tốt kế hoạch của đơn vị đã đề ra và phải đặt mục tiêu kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của đơn vị đạt 100%, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và cam kết với tỉnh.
Bên cạnh đó, yêu cầu tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 (kể cả vốn kéo dài) theo thứ tự ưu tiên như: Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 chuyển sang năm 2022, tập trung giải ngân nguồn ngân sách Trung ương, và vốn nước ngoài (vốn ODA). Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách Trung ương và vốn nước ngoài (vốn ODA) và vốn ngân sách địa phương.
Trong đó lưu ý giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA đối với các dự án: Khu công nghiệp Tân Kiều (Ban Quản lý Khu kinh tế), Cụm dân cư Dinh Bà (Ủy ban nhân dân huyện Tân Hồng), Phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp (Ủy ban nhân dân huyện Thanh Bình)…
Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các đồng chí bí thư huyện ủy, bí thư thành ủy hỗ trợ đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tốt việc xây dựng Kế hoạch 30 ngày tập trung toàn diện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong năm 2022 và các năm tiếp theo của địa phương; quan tâm, tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hằng tuần, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp trực tuyến với các địa phương về tiến độ đầu tư công. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Khẩn trương triển khai thi công
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 23/11, toàn tỉnh có 12 đơn vị thuộc sở, ngành tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh. Chẳng hạn, Ban Quản lý Khu Kinh tế đạt 11,30%, chủ yếu do thực hiện dự án hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều còn chậm (dự án đã triển khai từ năm 2018 đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng) và dự án tuyến đường D-01 nối từ Cụm Công nghiệp Quảng Khánh đến Quốc lộ 30 tuyến tránh thành phố Cao Lãnh triển khai chậm, đến nay chưa ký hợp đồng thi công và chưa giải phóng mặt bằng.
Sở Tài nguyên và Môi trường giải ngân đạt 30,37%. Nguyên nhân chủ yếu là các dự án chuyển tiếp đã được thanh toán khối lượng hoàn thành ở những tháng đầu năm và dự án kho lưu trữ thuộc Sở đang xin chủ trương thực hiện phát sinh một số hạng mục...
Đến nay, Ủy ban nhân dân cấp huyện cơ bản triển khai tương đối tốt và tỷ lệ giải ngân đạt cao (hơn 75%) như: thành phố Sa Đéc, huyện Tháp Mười, thành phố Cao Lãnh...
Tuy nhiên, có 3 huyện giải ngân còn thấp hơn mức trung bình của tỉnh, cụ thể: huyện Thanh Bình, chủ yếu do dự án phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp (dự án Cù lao Tây) đang triển khai rất chậm, do vướng đền bù và các thủ tục đầu tư liên quan. Huyện Cao Lãnh, chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm do người dân chưa thống nhất giá bồi thường, phải tổ chức vận động nhiều lần.
Còn đối với huyện Tân Hồng, chủ yếu do dự án bố trí ổn định dân cư Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, do điều chỉnh địa điểm xây dựng. Bên cạnh đó, còn có tình trạng chậm báo cáo khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết đến Ủy ban nhân dân tỉnh như: công tác giải phóng mặt bằng của dự án cầu Tân Thành B, dự án đường ĐT845 đoạn Trường Xuân-Tân Phước...
Bảo đảm tiến độ triển khai dự án đầu tư công, nhiều ngày qua, bên cạnh chỉ đạo quyết liệt, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng có những chuyến khảo sát các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã có buổi khảo sát Cụm công nghiệp Quảng Khánh tại xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh.
Theo quy hoạch, Cụm công nghiệp Quảng Khánh có tổng diện tích khoảng 50ha, thực hiện giai đoạn 1 là khoảng 17ha. Trung tâm Đầu tư và Khai thác hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn gần 217 tỷ đồng, từ ngân sách tỉnh.
Qua khảo sát, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ngành và Ủy ban nhân dân địa phương tiếp tục tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân nằm trong vùng dự án, họp hội đồng bồi thường đất cho người dân theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng theo kế hoạch.
Khảo sát tại Khu Công nghiệp Tân Kiều, huyện Tháp Mười (một trong những công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được quy hoạch với diện tích khoảng 150 ha), ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các chủ đầu tư dự án tăng cường trang thiết bị, phương tiện, nhân lực để thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công theo nội dung đã cam kết. Hằng tuần yêu cầu đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công phải báo cáo trực tiếp Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ thực hiện cũng như khó khăn, vướng mắc, nhằm giải quyết kịp thời.
Năm 2022, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư 7 dự án. Đến nay, 4 dự án đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, 2 dự án đang triển khai thi công. Tính đến cuối tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của các dự án đạt hơn 73% kế hoạch.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết, tiến độ thực hiện các dự án do Sở làm chủ đầu tư cũng có những tiến triển lớn. Sở thường xuyên đôn đốc đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu tăng tốc thực hiện các dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, một số dự án hạ tầng trọng điểm, cụ thể như: Nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, thành phố Cao Lãnh (giai đoạn 1); dự án Mở rộng đường ĐT846 đoạn Mỹ An-Bằng Lăng; dự án Mở rộng đường ĐT849 đoạn từ ĐT848 đến Quốc lộ 80; dự án Mở rộng nút giao và đường kết nối ĐT845 với tuyến N2; dự án Nâng cấp tải trọng cầu Tràm Chim trên đường ĐT843… đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Các tuyến giao thông chính của tỉnh, bao gồm: Dự án Hạ tầng giao thông khu vực nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp; dự án Xây dự̣ng tuyến ĐT857 đoạn Quốc lộ 30-ĐT845; dự án Đường ĐT845 đoạn Trường Xuân-Tân Phước; dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT842; dự án Nâng cấp hệ cầu trên đường ĐT.844 (đoạn Tràm Chim-Trường Xuân)… đang khẩn trương đẩy nhanh triển khai thi công.