Sự trăn trở ấy chính là nỗi lo cơm áo gạo tiền của nông dân, là việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện. Sự trăn trở ấy còn đến từ những khó khăn của doanh nghiệp đang phải tạm ngưng hoạt động, hoặc phải gồng gánh chi phí để duy trì sản xuất.
Chúng tôi còn “đọc” được sự trăn trở qua mỗi buổi tối tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp. Đó là nỗi lo lắng sợ người dân thiếu ăn, dân rơi vào cảnh khó khăn, bệnh tật không thể xoay xở do dịch bệnh.
Chính vì thế mà trong mỗi buổi họp, sau khi nghe các huyện, thành phố báo cáo tình hình dịch bệnh địa phương, nghe Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thông tin về tình hình dư luận xã hội là những chỉ đạo quyết liệt.
Còn nhớ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã yêu cầu Tổng đài 1022 tập trung tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến liên quan đến công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ dân. Rồi liên tiếp những đợt giãn cách tiếp theo, nhiều đường dây nóng được thiết lập hỗ trợ dân của các ban, ngành và cả Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Có được các đường dây nóng, nhưng đồng chí Lê Quốc Phong cũng cảm thấy chưa yên tâm, đã đặt câu hỏi tại hội nghị đến các địa phương là người dân có nắm được các đường dây nóng hay không?
Do đó, đồng chí đề nghị các địa phương bằng mọi cách phải thông tin tuyên truyền các đường dây nóng đến nhân dân, để người dân có được “trong tay” những thông tin cơ bản này. Khi có được thông tin thì cơ chế vận hành hỗ trợ dân thông qua các đường dây nóng phải được đảm bảo thông suốt và hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, việc vận hành đường dây nóng càng tốt, kịp thời, hiệu quả và chất lượng thì càng giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý, đời sống của bà con và sẽ giúp cho công tác phòng, chống dịch đạt được hiệu quả cao.
Song song với vận hành đường dây nóng, liên tiếp mấy hôm nay, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng vẫn còn tình trạng người dân phản ánh qua nhiều kênh khác nhau do gặp khó khăn mà chưa được hỗ trợ kịp thời. Từ đó, đề nghị lãnh đạo các địa phương phải gần dân, sát cơ sở hơn nữa.
Đồng chí yêu cầu Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh phải nắm được còn bao nhiêu hộ dân trong tỉnh đang gặp khó khăn mà đến nay chưa hỗ trợ kịp thời.
Đồng chí cũng đề nghị đối với những trường hợp nào không đúng nhóm đối tượng nhưng gia cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì phải hỗ trợ ngay.
Mới đây, khi trong một ngày có nhiều cuộc gọi của người dân qua đường dây nóng đề nghị hỗ trợ khó khăn do dịch, cũng tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thêm một lần nữa chỉ đạo các địa phương đặc biệt quan tâm đến đời sống bà con bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
“Hôm nay tôi nhận được nhiều phản ảnh liên quan đến hỗ trợ dân. Các địa phương phải làm tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội. Phải công khai minh bạch những người được hỗ trợ. Tránh để tình trạng những ai quen biết được Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản thì sẽ được giải quyết hỗ trợ được nhiều. Mọi hoàn cảnh khó khăn phải được hỗ trợ”, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cũng cho rằng, bà con đã lâm vào khó khăn do dịch bệnh thì càng không có sự phân biệt. Chẳng hạn nhìn thấy bên ngoài gia đình đó từng khá giả, thậm chí có nhà tường, nhưng cũng phải hiểu hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay gia đình có thể sản xuất được hay không, nếu cuộc sống quá khó khăn thì nên có sự hỗ trợ đảm bảo cuộc sống.
Sau những lần chỉ đạo, kiểm tra của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi nhận thấy địa phương này ngày một làm tốt công tác an sinh xã hội trong những ngày đại dịch.
Đó là hình ảnh nhiều đồng chí đảng viên nơi cư trú có cuộc sống khấm khá hơn đã mua vài ba bó rau, thùng mì, trứng gà mang đến biếu cho bà con hàng xóm mình đang gặp cảnh khốn khó do dịch bệnh.
Đó là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Công an, Biên phòng đã vận động nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm cho bà con nơi miền biên giới.
Đó còn là những bạn trẻ tình nguyện làm “shipper áo xanh” không quản mưa nắng, nguy cơ lây lan dịch bệnh để đi chợ mua, thậm chí vận động tặng nhu yếu phẩm cho bà con quê mình.
Trong những ngày dịch bệnh rất phức tạp, chúng tôi đã nhiều lần tìm đến các vùng quê ở Đồng Tháp. Mảnh đất sen hồng những ngày này bao trùm một không gian vắng lặng.
Chúng tôi cảm nhận được qua từng lời nói, từng ánh mắt của người dân nghèo về những lời bộc bạch trong cuộc sống vốn đầy khó khăn này, nhưng kèm theo đó là niềm hạnh phúc khi ngày càng nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, của bà con chòm xóm để vượt qua đại dịch.
Cuộc sống của nhiều người dân ở Đồng Tháp liên tiếp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần thứ năm là một quyết định vô cùng khó khăn đối với Đồng Tháp.
Nhưng vì Đồng Tháp có số ca mắc Covid-19 cao, diễn biến dịch còn phức tạp nên tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách nghiêm ngặt đến ngày 15/9. Suy cho cùng, việc đi đến một quyết định như thế, tất cả cũng vì bà con nhân dân Đất sen hồng, vì muốn giữ cho được những kết quả chống dịch vốn dĩ vô cùng khốn khó nhưng đã làm được trong nhiều ngày qua.
Và tất cả vì nhân dân mà dù tập trung cho công tác dập dịch, tỉnh vẫn đặc biệt xem trọng công tác an dân, hỗ trợ dân. Qua đây cho thấy, tinh thần lắng nghe dân, chấn chỉnh kịp thời công tác hỗ trợ đời sống nhân dân trong những ngày dịch bệnh Covid-19 phức tạp của những người đứng đầu tỉnh Đồng Tháp.
Và điều đó đã tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân, rằng Đất sen hồng sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh, bà con sẽ cảm thấy được an toàn hơn trong những ngày trở về trạng thái bình thường mới.