Đồng Tháp: Người được lấy phiếu tín nhiệm phải chú ý kết quả của mình

Bế mạc kỳ họp lần thứ bảy, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm phải chú ý kết quả của mình, chú ý việc tự soi, tự rèn, tự sửa để xứng đáng là người đại biểu nhân dân đất sen hồng.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu tham gia bỏ phiếu lấy phiếu tín nhiệm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Đại biểu tham gia bỏ phiếu lấy phiếu tín nhiệm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Trong 2 ngày 9 và 10/12, diễn ra kỳ họp thứ bảy, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026. Tham dự kỳ họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong.

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 19/22 chỉ tiêu vượt và đạt so với kế hoạch năm 2023; trong đó có 7 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch.

GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,31 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.151 tỷ đồng. Đến nay, có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thực hiện đạt 100% chỉ tiêu về văn hóa-xã hội và môi trường.

Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa 10 đã dành phần lớn thời gian để đại biểu thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh lĩnh vực kinh tế-ngân sách, pháp chế và văn hóa-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã thông qua 19 nghị quyết trên các lĩnh vực: kinh tế-ngân sách, pháp chế, văn hóa-xã hội.

Đồng Tháp: Người được lấy phiếu tín nhiệm phải chú ý kết quả của mình ảnh 1
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại kỳ họp.

Liên quan vấn đề lao động-việc làm, đại biểu đánh giá cao công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua nhiều chính sách; số người lao động đi làm năm sau cao hơn năm trước.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tôi suy nghĩ rất nhiều về câu khẩu hiệu “Đi làm thuê, về làm chủ”. Theo số liệu tôi nắm được, trong số những người lao động khi hết hợp đồng trở về nước thì số lao động phổ thông chiếm con số rất lớn.

Lao động phổ thông khi về nước thì có được thu nhập tích lũy, kỹ năng làm việc. Riêng kiến thức, tri thức, chất xám đem về để khởi nghiệp được thì không được nhiều”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức cho rằng, nếu như muốn "đi làm thuê, về làm chủ" thì phải có căn cơ, tức là phải được đào tạo, huấn luyện nghề, có tay nghề cao, từ đó, thu nhập sẽ cao hơn lao động phổ thông.

Do đó, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ tính theo số lượng mà cần quan tâm đến chất lượng để khi về nước mang lại hiệu quả kinh tế cao và tay nghề tốt.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết: “Hiệu quả lớn nhất đối với công tác này trong thời gian qua là giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Sự quan tâm của chúng ta là những thị trường lao động chất lượng”.

Đối với câu “Đi làm thuê, về làm chủ” mà thời gian qua tỉnh dùng làm khẩu hiệu để tuyên truyền công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cho rằng, làm chủ ở đây không phải là làm ông chủ, bà chủ, mà là làm chủ cuộc đời mình.

Đối với cơ chế xử lý rủi ro khi lao động ở nước ngoài, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng đề nghị cần phải rõ ràng để người lao động biết, với mục đích cuối cùng là làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động yên tâm đi làm việc.

Tại kỳ họp, đại biểu cũng quan tâm về chủ trương hậu xuất khẩu lao động vẫn chưa thành chủ trương thống nhất của tỉnh, thậm chí hiện nay tỉnh thống kê vấn đề hậu xuất khẩu lao động vẫn chưa đầy đủ.

Do đó, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến đề nghị ngành lao động quan tâm thêm để tham mưu tốt vấn đề này thành chủ trương cụ thể để người lao động được chăm lo tốt hơn.

Đồng Tháp: Người được lấy phiếu tín nhiệm phải chú ý kết quả của mình ảnh 2

Quang cảnh kỳ họp.

Kỳ họp đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 bầu (theo quy định tại khoản 2 Điều 2, khoản 8 Điều 11 Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội).

Theo đó, người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng với 51/56 phiếu (tỷ lệ 91,07%); phiếu tín nhiệm 5 phiếu (tỷ lệ 8,93%), không có phiếu tín nhiệm thấp.

Người có số phiếu tín nhiệm cao ít nhất là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thúy Hà với 20/56 phiếu (tỷ lệ 35,71%); 28 phiếu tín nhiệm (tỷ lệ 50%); 8 phiếu tín nhiệm thấp (tỷ lệ 14,29%).

Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Việt Công với 10/56 phiếu (tỷ lệ 17,86%). Ông Công có 23 phiếu tín nhiệm cao (tỷ lệ 41,07%), 23 phiếu tín nhiệm (tỷ lệ 41,07%).

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề nghị phải chủ động dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Sử dụng hiệu quả tài nguyên (nhất là tài nguyên cát), bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công… Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn bàn tỉnh nhằm sớm tạo quỹ đất công nghiệp sạch, hoàn chỉnh để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Ông Phan Văn Thắng đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm phải chú ý kết quả của mình, chú ý việc tự soi, tự rèn, tự sửa để phấn đấu nhiều hơn nữa, xứng đáng là người đại biểu nhân dân đất sen hồng.