Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông qua lấy phiếu tín nhiệm

NDO - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã thực hiện thành công quyền năng lớn nhất của mình trong giám sát. Kết quả lấy phiếu có tác động lan tỏa tới điều hành, kinh tế-xã hội, công tác cán bộ để hướng đến kết quả tốt hơn từ nay tới cuối nhiệm kỳ.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 25/10, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Đây là một trong những điểm nhấn nằm trong chương trình kỳ họp, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện sự ghi nhận, đánh giá công bằng của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Các đại biểu có đánh giá công tâm, khách quan

Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông qua lấy phiếu tín nhiệm ảnh 1

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đánh giá rất cao kết quả lần này, theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã thực hiện thành công chức năng quan trọng nhất trong hoạt động giám sát. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cả về mặt tài liệu, văn bản và ra những quy định rất chặt chẽ.

“Chúng tôi là những đại biểu Quốc hội lần đầu được làm nhiệm vụ quan trọng này cảm thấy rất vinh dự và trách nhiệm. Tôi quan sát thấy rằng các đại biểu đã có những đánh giá rất công tâm, khách quan và cũng rất sát với những lĩnh vực, nội dung mà Nghị quyết số 96 của Quốc hội và pháp luật yêu cầu”, đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ.

Đề cập đến kết quả lấy phiếu, đại biểu Trịnh Xuân An phân tích, trước những yêu cầu của thực tế, những ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động tới xã hội, người dân, doanh nghiệp... thông thường sẽ có tỷ lệ tín nhiệm cao thấp hơn một chút.

Có những lĩnh vực tỷ lệ số phiếu tín nhiệm thấp cao hơn những lĩnh vực khác, theo đại biểu tỉnh Đồng Nai, việc đánh giá này của đại biểu Quốc hội cũng hoàn toàn trách nhiệm, khách quan và công tâm.

“Trong thời gian qua, chúng ta đối mặt rất nhiều khó khăn. Tôi cho rằng phiếu đánh giá với khối Chính phủ, các Bộ, ngành trực tiếp điều hành vừa là động viên, vừa là thể hiện trách nhiệm bởi có những yêu cầu với lĩnh vực đó cần phải tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa. Những lĩnh vực có số phiếu tín nhiệm thấp cao như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công thương... đều là những lĩnh vực mà người dân cũng như đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải có nỗ lực hơn nữa để khắc phục, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và cử tri”, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.

Có những Bộ trưởng, trưởng ngành có số phiếu tín nhiệm thấp cao theo đại biểu An đây cũng không phải điều gì quá ghê gớm, gây thất vọng, mà đó là một sự đòi hỏi của đại biểu Quốc hội để các tư lệnh ngành nhìn lại kết quả làm được, qua đó sẽ có điều chỉnh, nỗ lực hơn.

“Kết quả phiếu lần này cũng có điều mừng đó là không ai rơi vào trạng thái bị xử lý theo Nghị quyết 96. Điều đó cũng đúng vì thời gian qua các ngành đã rất nỗ lực, nhất là giai đoạn sau 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, nhiều vấn đề, nhiều yêu cầu của cuộc sống đòi hỏi phải cố gắng, nỗ lực hơn”, đại biểu An cho biết.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng khẳng định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này không phải chỉ để thực hiện theo quy trình, thủ tục thông thường, mà còn có tác động lan toả tới điều hành, kinh tế-xã hội, công tác cán bộ, đặc biệt là tới khả năng điều hành của các tư lệnh ngành để hướng đến kết quả tốt hơn từ nay tới cuối nhiệm kỳ.

Hướng đến sự hài lòng của người dân

Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông qua lấy phiếu tín nhiệm ảnh 3

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng đây là kết quả mang tính giáo dục, phản ánh khách quan rất cao.

“Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, phải khẳng định rằng phản ánh tín nhiệm của Quốc hội khá chính xác. Thực ra những vị trí giữ trọng trách có số phiếu tín nhiệm thấp còn cao, số tín nhiệm cao còn thấp đúng là đang có rất vấn đề, có những vấn đề xã hội cảm thấy chưa hài lòng, cảm thấy còn băn khoăn”, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết.

Đối với những chức danh nhận nhiều tín nhiệm thấp, đại biểu đoàn Hà Nội khẳng định, không có cách nào khác là phải khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tế của ngành mình, bởi từng ngành có những hạn chế riêng. Qua việc khắc phục những hạn chế, khó khăn đó sẽ thể hiện vai trò, chức năng của các vị trí đã được Đảng, Nhà nước giao rõ hơn, cụ thể hơn và hiệu quả hơn.

Đồng thời, qua việc lấy phiếu tín nhiệm cũng giúp các chức danh này nhìn nhận lại để cùng tập thể lãnh đạo xây dựng, nâng cao lòng tin của người dân, để có hình thức khắc phục, hạn chế khó khăn trước những vấn đề bức xúc đối với cơ quan, đối với ngành mình phụ trách đang được dư luận quan tâm.

“Chắc chắn qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có động lực nâng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thêm một bước để làm hài lòng người dân và các đại biểu Quốc hội”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu rõ.

Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông qua lấy phiếu tín nhiệm ảnh 4

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố là khách quan, trung thực trên các lĩnh vực của các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để những người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế để nỗ lực hơn trong thời gian tới.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, tư lệnh một số lĩnh vực có số phiếu tín nhiệm thấp cao như: Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, công thương… đều là những ngành còn một số vấn đề tồn tại, những hạn chế nhất định và được cử tri và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm.

“Bộ trưởng là người “đứng mũi chịu sào” và là người thuyền trưởng nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại của ngành. Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm này, nhân dân và các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát việc các “tư lệnh” giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế ở những ngành có số phiếu tín nhiệm thấp cao”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết.