Đồng Tháp: Gần 20 người chết do tai nạn giao thông mỗi tháng

Số người chết do tai nạn giao thông ở tỉnh Đồng Tháp tăng 45 người so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 6, tai nạn giao thông đường bộ của tỉnh Đồng Tháp xảy ra 34 vụ, làm chết 25 người, so cùng kỳ năm 2023, tăng 13 người chết.
0:00 / 0:00
0:00
Một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vào tháng 3/2024 làm 2 người chết.
Một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vào tháng 3/2024 làm 2 người chết.

Chiều 5/7, tại hội nghị giao ban báo chí tỉnh Đồng Tháp tháng 6, Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 (số liệu tính từ ngày 15/12/2023 đến ngày 12/6/2024), toàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 108 vụ tai nạn giao thông, làm 107 người chết và 20 người bị thương.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 46 vụ, số người chết tăng 45 người, số người bị thương giảm 3 người. Trong số 108 vụ tai nạn giao thông, có 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy, không có người chết và bị thương.

Riêng trong tháng du lịch hè (tháng 6/2024), tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 34 vụ, làm chết 25 người, 18 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 162 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 19 vụ, tăng 13 người chết, tăng 12 người bị thương. So với liền kề tháng 5/2024, tăng 13 vụ, tăng 8 người chết, tăng 8 người bị thương.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân về nguyên nhân số người chết do tai nạn giao thông ở Đồng Tháp tăng cao, cũng như giải pháp kéo giảm số vụ và số người chết, Thượng tá Huỳnh Chủ Nghĩa, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tăng thường do 2 nguyên nhân chính.

Đồng Tháp: Gần 20 người chết do tai nạn giao thông mỗi tháng ảnh 1

Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Đồng Tháp đặt câu hỏi về công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh khi số vụ và số người chết tăng cao.

Thứ nhất, do hệ thống hạ tầng giao thông ở một số nơi chưa bảo đảm yêu cầu, trong khi mật độ giao thông ngày một tăng. Đồng chí Nghĩa dẫn chứng, thời gian qua, trên tuyến quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh (Đồng Tháp) - An Thái Trung (Tiền Giang) xe đi lại rất đông nhưng đường hẹp, dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Nguyên nhân thứ 2 là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông chưa tốt. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ.

Đối với ngành Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng đã có chỉ đạo, Trưởng Công an các đơn vị, địa phương, nhất là Công an các huyện, thành phố và Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông nghiên cứu những nơi thường xảy ra tai nạn giao thông để tìm hiểu nguyên nhân, qua đó đánh giá, có những giải pháp phù hợp.

Đồng thời, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt hệ thống camera giám sát an toàn giao thông để giám sát quản lý, xử lý giao thông đường bộ.

Được biết, trước đó, ngày 11/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Công điện số 36/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Công điện có đoạn đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ và phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, gắn chặt với hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc đi lại.

Công điện cũng đề nghị tỉnh, thành nỗ lực cao nhất không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.