Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

NDO - Sáng 9/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: NHẬT BẮC)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: NHẬT BẮC)

Hội nghị được tổ chức tại hai điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị là đúng hướng. Trên thực tế, sau 15 năm thực hiện, chúng ta đã đạt hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại…, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đến nay, do tình hình mới, điều kiện mới, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định tầm nhìn chiến lược có nhiều đột phá hơn, dài hơi hơn, vì vậy, chúng ta cần có Nghị quyết mới về vùng xứng tầm hơn, phù hợp hơn, bám sát đường lối của Đảng.

Thủ tướng khẳng định, dư địa phát triển vùng còn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao lại chưa phát triển được? Đó là vì thiếu quy hoạch hiện đại vì vừa làm xong thì quá tải, kết nối chưa có, liên thông còn hạn chế, vừa làm vừa sửa, sự liên kết và phối hợp còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Hiện nay, vùng này còn thiếu cơ chế về huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước; thiếu cơ chế để tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; trong khi đó lại thừa vướng mắc, điểm nghẽn nhiều. Khát vọng lớn, năng lượng còn dồi dào, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực thì lớn nhưng quyết tâm thế nào để “đúng và trúng”, mang lại hiệu quả cao hơn thì cần phải làm rõ.

Chúng ta cần tìm cơ chế để tạo ra động lực, không gian phát triển mới; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung đột phá về hạ tầng chiến lược, khắc phục nút thắt về giao thông; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm thị trường lao động hoạt động đúng thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng; có cơ chế, chính sách, thể chế đột phá để huy động nguồn lực; có cách tổ chức để tạo ra sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thủ tướng nêu vấn đề cần có “nhạc trưởng” phù hợp thể chế, hoàn cảnh, khả năng liên kết vùng. Phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; nâng cao tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương, mỗi cơ quan đơn vị để vừa huy động sức mạnh tổng lực, phát huy sức mạnh của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các bộ, ngành chủ động tích cực tháo gỡ cùng địa phương, doanh nghiệp thực chất, hiệu quả. Có cơ chế huy động nguồn lực hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Phát triển hài hòa giữa ổn định chính trị, kinh tế với văn hóa, bảo đảm môi trường, an sinh xã hội, đời sống nhân dân, là hết sức quan trọng. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh-quốc phòng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chúng ta cần chia sẻ, bài học kinh nghiệm rút ra khi tổ chức thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27: chủ trương, đường lối của Đảng là rất rõ, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện; chức năng, quyền hạn của ai thì người đó phải thực hiện; kịp thời phát hiện vướng mắc; xác định rõ nhiệm vụ của Chính phủ, chính quyền địa phương; tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phát huy tính chủ động của các địa phương nhưng phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả vùng.

Chúng ta phải linh hoạt trước các vấn đề liên quan cạnh tranh chiến lược; việc tác động của thế giới liên quan lạm phát, chính sách tiền tệ, chính sách về phòng, chống dịch, giá cả đầu vào tăng cao; năng lượng thì nhìn thấy rõ, nhưng về lâu dài cần nhận thức rõ hơn về vấn đề an ninh thông tin, an ninh mạng là hết sức quan trọng, chuyển đổi số phải an toàn và phục vụ phát triển; vấn đề cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phân hóa giàu nghèo cũng phải nhận thức rõ. Sự phát triển của vùng phải góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, không có nghĩa là tự cung, tự cấp mà phải chủ động hội nhập tích cực và hiệu quả. Thủ tướng nêu rõ, nguồn lực trong xã hội, trong dân, trong doanh nghiệp còn lớn, vấn đề là cần có cơ chế để huy động nguồn lực.

Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NHẬT BẮC)

Về các nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung các nội dung chính: tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch và phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng phát triển văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Thủ tướng nêu rõ, tình hình khó khăn còn nhiều nhưng chúng ta cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt; chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, hiệu quả; tăng cường quản lý giá. Tập trung tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho tất cả các đối tượng phải tiêm; khắc phục sự yếu kém của ngành y tế nhất là liên quan y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm thuốc chữa bệnh cho nhân dân trong lúc dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp; bảo đảm giải ngân cho các chương trình phục hồi kinh tế, giải ngân cho các dự án trọng điểm. Đẩy nhanh công tác quy hoạch; chủ động ứng phó các vấn đề đột xuất, bất ngờ. Các bộ, ngành kịp thời xử lý các đề xuất của các địa phương. Nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tích cực, chủ động, thích ứng mọi hoàn cảnh, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.