Bài 1: Phát huy vai trò vị trí đầu tàu kinh tế cả nước
Vùng Đông Nam Bộ gồm sáu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng đã năng động, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, đạt nhiều kết quả quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế, với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, hiện đang đóng góp khoảng 22% GDP và gần 25% thu ngân sách cả nước. Đặc biệt, thành phố có quy mô các hoạt động tài chính là 119 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 35% cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh đang là trung tâm tài chính của Việt Nam, thành phố duy nhất cả nước được đánh giá xếp hạng điểm số 561 so với các Trung tâm tài chính quốc tế theo chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI).
Không những thế, Thành phố Hồ Chí Minh còn đột phá và đi đầu về khoa học và công nghệ. Thành phố có nhiều Khu Công nghệ cao; Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình là mô hình Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), qua 20 năm hình thành và phát triển, SHTP đóng góp lớn trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao và sản xuất công nghệ cao. Đây là đòn bẩy bảo đảm SHTP tăng trưởng nhanh và bền vững trong suốt giai đoạn 2012-2022. Đến nay, đầu tư cơ sở phát triển công nghệ cao, chủ yếu từ các doanh nghiệp đã có các kết quả tạo ra các sản phẩm công nghệ cao về vi mạch bán dẫn, nano, sinh học, dược phẩm, nền tảng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, trí tuệ nhân tạo (AI)... là tiền đề cho xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.
Được xác định là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây phụ thuộc nhiều vào dầu khí. Những năm trở lại đây, nhiều lĩnh vực vốn là thế mạnh của địa phương đã có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải đã phát huy vai trò là cảng cửa ngõ quan trọng của cả vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 69 dự án cảng, đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động gần 50 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm, trong đó hàng công-ten-nơ bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEU/năm. Theo quy hoạch tổng thể, cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sẽ là những trung tâm logistics lớn của cả khu vực.
Tại Bình Dương, các khu công nghiệp đã tạo đòn bẩy giúp tỉnh phát triển nhanh. Đến nay, tỉnh đã thành lập 29 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch gần 12.663ha; trong đó có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 10.963ha. Hiệu quả từ các khu công nghiệp đã đưa công nghiệp của tỉnh Bình Dương bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị cùng phát triển.
Theo đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tổng kết 25 năm, quy mô kinh tế của tỉnh tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng (gấp 104,3 lần so với năm 1997), đứng thứ 3 cả nước; trong đó công nghiệp tăng 140,6 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, nông nghiệp tăng 14,2 lần. Bình Dương được đánh giá là địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương; là một trong số những địa phương thuộc tốp đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút đầu tư trong nước, thu ngân sách, đóng góp ngân sách Trung ương... Những kết quả đó đã góp phần đưa tỉnh sớm trở thành địa phương đạt mức thu nhập trung bình cao.
Tổng kết 25 năm, quy mô kinh tế của tỉnh tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng (gấp 104,3 lần so với năm 1997), đứng thứ 3 cả nước; trong đó công nghiệp tăng 140,6 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, nông nghiệp tăng 14,2 lần. Bình Dương được đánh giá là địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương.
Đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Đi đôi với phát triển kinh tế, các địa phương vùng Đông Nam Bộ luôn quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Đồng Nai đang có 31 khu công nghiệp và hàng chục cụm công nghiệp, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động với lượng nước xả thải hơn 127 nghìn mét khối/ngày. Việc kiểm soát xả thải được ngành chức năng chú trọng thực hiện, nhất là sau các vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận cả nước bức xúc.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Đặng Minh Đức chia sẻ, tất cả các khu công nghiệp đang hoạt động đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, tổng công suất thiết kế là 171 nghìn mét khối/ngày. Ngoài ra, tỉnh đầu tư 30 trạm quan trắc nước thải tự động để giám sát liên tục 24/24 giờ việc xả nước thải và thực hiện quan trắc chất lượng nước thải định kỳ hằng tháng cũng như đột xuất, bảo đảm nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đối với xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp, từ 15 năm trước tỉnh đã quy hoạch, đầu tư hạ tầng xây dựng 9 khu xử lý chất thải.
Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Bình Phước đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách... để ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là chương trình đặc thù giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và làm 1.000km đường giao thông nông thôn mỗi năm. Tỉnh ủy cũng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.
Tạo đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế
Tuy đạt nhiều kết quả nhưng Nghị quyết số 24-NQ/TW nhận định vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn. Một số địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế; chưa giải quyết tốt các vấn đề thời tiết, thiên tai, ô nhiễm môi trường, khói bụi cũng như các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngập lụt diễn ra thường xuyên không chỉ tác động lớn đến đời sống người dân mà còn gây thiệt hại về kinh tế, ước tính mỗi năm khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thời gian thiếu chọn lọc trong thu hút các dự án đầu tư, để dẫn đến những hệ lụy khó lường, như: dự án chậm triển khai, ô nhiễm môi trường, dự án tiêu tốn nhiều năng lượng... Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Theo khảo sát có hơn 410 nghìn người có nhu cầu về chỗ ở, song các dự án nhà ở xã hội hiện nay mới đáp ứng được khoảng 26 nghìn người, chiếm 6,5% nhu cầu. Thực tế, với mức thu nhập trung bình tính cả làm thêm giờ là khoảng 9,1 triệu đồng/người/tháng, người lao động phải chi tiêu cho sinh hoạt, khoản tiền dư không thể mua được nhà ở.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, nhiệm vụ đầu tiên Nghị quyết số 24-NQ/TW đặt ra là phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng.
Đồng tình cao với nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm này của Nghị quyết, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thị Thắng cho biết, thành phố đang khai thác các thế mạnh để trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam nhằm tạo đột phá lan tỏa. Lý do là thành phố nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, là trung tâm của khu vực Đông Nam Á và múi giờ khác biệt với 21 Trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Điều này cho phép thành phố tham gia vào chương trình khép kín các giao dịch tài sản toàn cầu suốt 24 giờ mỗi ngày.
Thành phố đang khai thác các thế mạnh để trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam nhằm tạo đột phá lan tỏa. Lý do là thành phố nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, là trung tâm của khu vực Đông Nam Á và múi giờ khác biệt với 21 Trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thị Thắng
Thành phố đã trình Chính phủ đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Trong đó, dự thảo đề án đã xây dựng lộ trình thực hiện theo ba giai đoạn. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ bước đầu hình thành Trung tâm tài chính thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm. Trong giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ có vị thế vững chắc là trung tâm tài chính quốc tế thứ hạng cao ở khu vực châu Á. Từ năm 2031 trở đi, phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính toàn cầu có thứ hạng cao.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định khu vực nam Bình Dương thuộc tiểu vùng trung tâm phát triển của toàn vùng, nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục và đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế. Khu vực bắc Bình Dương là nơi phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng. Đây là chủ trương phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Để triển khai, Bình Dương sẽ thực thi việc tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ mới, gắn liền với quy hoạch vùng. Tỉnh đã xác định cần tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và đất đai.
Các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh cũng xác định cần có các mô hình kinh tế đột phá, lan tỏa và thống nhất với nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới. Bình Phước đã xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử và thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu biên mậu giai đoạn 2026-2030 đạt 1,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,5%.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi, tỉnh đang nỗ lực triển khai nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Tiến (huyện Bù Đốp) lên thành cửa khẩu chính, cửa khẩu Hoàng Diệu (huyện Bù Đốp) lên thành cửa khẩu quốc tế, thành lập cửa khẩu phụ Ô Huýt (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập); đồng thời hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại khu vực biên giới: cầu, đường, kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics.
Đối với Tây Ninh, Mộc Bài là khu kinh tế cửa khẩu được áp dụng mức ưu đãi của vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nếu tỉnh chỉ áp dụng những cơ chế, chính sách hiện hành thì khó có thể tạo ra động lực thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời gian tới. Do vậy, tỉnh đề xuất phương thức tạo lợi thế “vượt trội”, trước hết là vượt trội về môi trường thể chế, quản trị; hệ thống kết cấu hạ tầng; con người; khả năng kết nối, liên kết vùng. Các khía cạnh này đều phải đặt trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tỉnh kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển thành Khu kinh tế đối ngoại ở biên giới phía Tây Nam, tạo điều kiện cho các địa phương giáp biên giới lưu thông hàng hóa qua lại nhằm gắn kết chặt chẽ kinh tế-quốc phòng.
Phát triển nhanh, bền vững nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ đang được các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ quan tâm. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nhằm thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Lê Ngọc Khánh cho biết, để triển khai mục tiêu đề ra với các tiêu chí cụ thể, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiếp cận các doanh nghiệp tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, trong đó chú trọng Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là hai quốc gia đang dẫn đầu về số dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn như: Nhà máy sản xuất thép Posco với tổng vốn đầu tư 1,12 tỷ USD; dự án Posco SS-Vina với mục tiêu sản xuất thép, gia công thép có tổng vốn đầu tư 704 triệu USD; Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí hóa lỏng của Tập đoàn Hyosung có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD...
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ, địa phương cũng đang thay đổi trong thực hiện chính sách thu hút các nhà đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và siết chặt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường. Tất cả các dự án đầu tư vào Đồng Nai ngoài bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường, khâu hậu kiểm sẽ được tiến hành liên tục. Trường hợp những dự án đã đầu tư mà chưa thực hiện tốt bảo vệ môi trường cần được đầu tư hệ thống xử lý, nếu không đáp ứng được địa phương sẽ bắt buộc chấm dứt hoạt động. Tuyệt đối không được phép kiếm lợi bằng sự xâm hại môi trường.
Tất cả các dự án đầu tư vào Đồng Nai ngoài bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường, khâu hậu kiểm sẽ được tiến hành liên tục. Trường hợp những dự án đã đầu tư mà chưa thực hiện tốt bảo vệ môi trường cần được đầu tư hệ thống xử lý, nếu không đáp ứng được địa phương sẽ bắt buộc chấm dứt hoạt động. Tuyệt đối không được phép kiếm lợi bằng sự xâm hại môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Nguyễn Hồng Lĩnh
Đối với khó khăn về nhà ở xã hội, tỉnh Đồng Nai đang đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, sẽ xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thể hiện quyết tâm này, Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2022-2025. Theo đó, hằng năm, mỗi địa phương có khu công nghiệp xây dựng từ hai đến ba dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Từ thực tiễn triển khai, các cấp ủy, chính quyền vùng Đông Nam Bộ đánh giá cao nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết số 24-NQ/TW. Nếu triển khai tốt sẽ giúp vùng Đông Nam Bộ giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra để phát triển nhanh, bền vững; sớm đạt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.
(Còn nữa)