Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã sớm có những bước “kích hoạt” cần thiết nhằm chuẩn bị điều kiện thuận lợi, sẵn sàng thu hút, lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho khát vọng vươn lên của tỉnh. Hội nghị công bố rộng rãi quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư dự kiến được Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức ngày 24/9, khẳng định Đảng bộ, chính quyền địa phương đang vào cuộc với thái độ cầu thị, quyết liệt, giải pháp khẩn trương, thiết thực hơn bao giờ hết.
“Chìa khóa” đưa Đồng Nai cất cánh
Tọa lạc ở vị trí cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế, Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng với năm phương thức giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế và hàng không. Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định Đồng Nai thuộc Vùng động lực phía nam về kinh tế, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy sân bay Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, đưa tỉnh trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics; thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại.
Dự kiến khai thác giai đoạn 1 vào tháng 9/2026, sân bay Long Thành được kỳ vọng là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư vào tỉnh, trở thành biểu tượng khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai. Cơ hội “mở cửa” bầu trời để nơi đây trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối Đồng Nai với các nước trên thế giới, đưa vùng đất này “cất cánh” đang đến rất gần. Thêm một lợi thế kinh tế hàng không đối với tỉnh là sân bay Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển thành sân bay lưỡng dụng.
Trong khi đó, sông Đồng Nai được đồ án quy hoạch xác định là một trục kinh tế năng động của tỉnh giai đoạn mới. Việc bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc; duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai sẽ tạo động lực phát triển mới.
Với tư duy đột phá, tầm nhìn, lộ trình rõ ràng nhằm phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, mục tiêu tỉnh Đồng Nai theo đuổi là sớm đi đầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, hiện đại, là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch dịch vụ gắn với văn hóa tín ngưỡng và đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh bền vững, đáng sống, nơi tập trung trí tuệ và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính Net-Zero.
Hành động quyết liệt hiện thực hóa quy hoạch
Với yêu cầu công bố quy hoạch công khai rộng rãi ngay từ đầu để tất cả các nhà đầu tư đều bình đẳng tiếp cận những thông tin chính thống, từ đó Đồng Nai có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất đối với từng dự án, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: “Công khai để mọi công dân, doanh nghiệp đều có quyền tiếp cận thông tin như nhau, không có câu chuyện bưng bít ở đây.
Địa phương nào càng minh bạch thì lòng dân càng tin tưởng, đồng thuận, kinh tế-xã hội càng phát triển. Sự minh bạch ở chỗ, trong quá trình đấu thầu, thu hút đầu tư, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tốt nhất cho lợi ích của tỉnh, coi lợi ích chung là lớn nhất, ngoài ra không có lợi ích nào khác”.
Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được định vị, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là đội ngũ, là tư duy năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Hơn bao giờ hết, thời gian này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thôi thúc ý tưởng táo bạo, khuyến khích tinh thần dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chung tay kiến tạo phát triển vùng đô thị sân bay Long Thành, tập trung phát triển hạ tầng, hoàn thiện kết nối sân bay với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia.
Tỉnh tiến hành hoạch định lại không gian ngay từ bây giờ, dành đất cho phát triển bền vững, xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả, như phát triển chuỗi đô thị, du lịch, dịch vụ dọc tuyến sông Đồng Nai, vùng phụ cận sân bay Biên Hòa và điểm nhấn là sân bay Long Thành.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết: “Ngành đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch như điều chỉnh tổng thể quy hoạch thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch; thi ý tưởng quy hoạch vùng sân bay Long Thành, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, thi kiến trúc công trình để tìm ra mô hình phù hợp nhất cho Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh Đồng Nai chuyển về Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Và, dòng sông Đồng Nai cũng còn nhiều dư địa cần phải có bàn tay quy hoạch để định hướng phát triển, như các nước trên thế giới cũng đã lấy lợi thế từ dòng sông để đẩy mạnh du lịch, thương mại”.
Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư sắp được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức, là sự kiện được trông đợi góp phần lan tỏa sức hấp dẫn, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đạt hiệu suất cao nhất trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, trong lúc chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chính thức, ngày 21/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chủ động tổ chức hội nghị giới thiệu danh mục dự kiến các dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch tỉnh lần này để các nhà đầu tư bước đầu tiếp cận thông tin sớm nhất; qua đó tính toán, tìm kiếm cho mình cơ hội phù hợp và có thể bắt tay ngay vào xúc tiến triển khai dự án khi quy hoạch có hiệu lực.
Ngoài tập trung kêu gọi đầu tư đối với 36 dự án trên năm lĩnh vực, mới đây, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm công bố danh mục 100 dự án về phát triển dịch vụ cho sân bay Long Thành; đồng thời lưu ý phải tìm kiếm, kêu gọi, thu hút cho được nhà đầu tư có tiềm lực cạnh tranh đủ mạnh để có thể đáp ứng quy mô nguồn vốn và tốc độ thực hiện dự án.
Theo kịch bản tăng trưởng của Đồng Nai, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 khoảng 41 tỷ USD; trong đó, tỷ lệ vốn đầu tư công đạt khoảng 20%, vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm 80%. Để có nguồn lực đầu tư phát triển mạnh hạ tầng vùng động lực sân bay Long Thành, lãnh đạo tỉnh đang xoay xở tìm các nguồn vốn vay khoảng 2 tỷ USD.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết: Để phát huy đúng mức lợi thế sân bay Long Thành, địa phương đã triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng như: lập quy hoạch vùng sân bay, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, quy hoạch hệ thống logistics khu vực vùng sân bay và phụ cận sân bay… nhằm tạo động lực “cất cánh” cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Riêng về lĩnh vực du lịch, tỉnh có nhiều dự án đang mời gọi nhà đầu tư với số vốn lên đến trên một tỷ USD.
Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch một số chuỗi đô thị ven sông và nhiều dự án “khát” vốn lên đến hàng tỷ USD. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nhằm thu hút doanh nghiệp tìm đến “cắm rễ” và thành công bền vững, tạo đà cho Đồng Nai bứt phá.