Động lực tăng trưởng từ chuyển đổi số

Nền kinh tế số toàn cầu ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, các dịch vụ tài chính số và sự hỗ trợ quan trọng từ chiến lược chính phủ điện tử của các nước. Được dự báo còn đối mặt không ít thách thức, song chuyển đổi số vẫn được nhiều nước chọn là một trong những động lực tăng trưởng không thể thiếu trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Indonesia sử dụng thiết bị điện tử để mua sắm trên nền tảng thương mại trực tuyến. Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực phát triển năng động, với những bước đi chủ động trong tiến trình chuyển đổi số. (Ảnh: Antara)
Người dân Indonesia sử dụng thiết bị điện tử để mua sắm trên nền tảng thương mại trực tuyến. Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực phát triển năng động, với những bước đi chủ động trong tiến trình chuyển đổi số. (Ảnh: Antara)

Theo một báo cáo vừa được Liên hợp quốc công bố, chịu tác động mạnh từ rất nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra suốt hai năm qua, song chiến lược chính phủ điện tử của các nước đã đạt nhiều tiến bộ.

Nhờ cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng viễn thông và phát triển nguồn nhân lực, Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử (EGDI) trung bình toàn cầu tăng, theo đó 68,9% số quốc gia có EGDI ở mức cao hoặc rất cao.

Đan Mạch, Phần Lan và Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng chính phủ điện tử gồm 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Các nước lần đầu vươn lên nhóm có chỉ số EGDI cao là Belize, Cote d’Ivoire, Guyana, Liban, Nepal, Rwanda, Tajikistan và Zambia.

Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực phát triển năng động, với những bước đi chủ động trong tiến trình chuyển đổi số.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, chỉ riêng sự phát triển của lĩnh vực dữ liệu lớn (Big data) cũng có thể đem lại hàng trăm tỷ USD cho các nền kinh tế tại Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Philippines và Campuchia.

Theo ADB, việc sử dụng công nghệ số để cung cấp phương pháp học tập từ xa và kết hợp làm công việc trực tuyến có thể đóng góp hơn 77 tỷ USD hằng năm vào GDP của các nước Đông Nam Á kể trên.

Giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia năm 2021 ước đạt 70 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và tương đương 40% tổng giá trị của cả khu vực, dự kiến còn tăng gấp đôi vào năm 2025.

Chính phủ Xứ sở vạn đảo thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia về chuyển đổi kỹ thuật số thông qua bốn lĩnh vực chiến lược, gồm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, quản trị kỹ thuật số, nền kinh tế kỹ thuật số và công dân kỹ thuật số.

Indonesia đặt mục tiêu phủ sóng mạng 4G tại 83.218 làng trên khắp đất nước trong năm nay. Chương trình đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho 15 triệu người đã được triển khai từ nay đến năm 2024.

Chuyển đổi kỹ thuật số đồng đều tại các tỉnh thành trong cả nước được giới chức Indonesia đánh giá là "chìa khóa" cho tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia.

Nhận định chuyển đổi số là lựa chọn tối ưu để vượt qua những thách thức hiện nay, Thái Lan tích cực triển khai chiến lược đưa Thái Lan trở thành "đất nước số".

Theo đó, Thái Lan đặt mục tiêu trong 10 năm tới đạt xếp hạng thứ 15 thế giới về khả năng cạnh tranh, với lĩnh vực kỹ thuật số chiếm ít nhất 25% GDP; đạt xếp hạng 50 theo chỉ số xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, với tất cả người dân được tiếp cận internet băng thông rộng.

Thái Lan hiện là một trong những nước đi đầu khu vực về phát triển hệ thống mạng 5G, song song việc triển khai phủ sóng wifi trên cả nước. Chính phủ Thái Lan đã thiết lập các dịch vụ công trên nền tảng số, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp Thái Lan cũng chủ động chuyển đổi số thông qua phát triển nhân lực trình độ cao để vận hành các dây truyền sản xuất, hệ thống quản trị sử dụng công nghệ kỹ thuật số, đồng thời xây dựng các nền tảng cần thiết cho kỷ nguyên số.

Theo Liên hợp quốc, nhìn chung chiến lược số hóa của các nước đều ghi nhận những bước tiến tích cực, song vẫn tồn tại khoảng cách về phát triển. Các nước có tốc độ chuyển đổi số thấp nhất đều là những nước đang trong tình trạng đặc biệt khó khăn.

Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào các kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia dài hạn, đồng thời tăng cường kết nối với thế giới, để tiến bộ về công nghệ hướng tới mục tiêu rộng hơn, đó là hỗ trợ phát triển bền vững, không để ai bị gạt ra ngoài lề trong thời đại số.